Kiểm soát lạm phát năm 2019: Dưới 4% có khả thi?
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra không ít thách thức đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019.
- 10-01-2019VEPR dự báo tăng trưởng GDP 6,9%, lạm phát trên 4%
- 07-01-2019Lạm phát năm 2019 dự báo sẽ thấp hơn 4%
- 03-01-2019Lạm phát năm 2019 là bao nhiêu dưới góc nhìn chuyên gia?
-
Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau
-
“Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng
Năm 2018 đã ghi nhận một dấu mốc mới của kinh tế Việt Nam với thành công kép là GDP tăng trưởng tới 7,08%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, trong khi chỉ số lạm phát bình quân (CPI) chỉ tăng 3,54% so với năm 2017, thấp hơn mục tiêu 4% do Quốc hội đề ra.
Dự báo lạm phát tiếp tục dưới 4%
Năm 2019, các chuyên gia kinh tế vô cùng lạc quan khi dự báo Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát dưới mức 4%. Mặc dù giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn đang tạo ra không ít sức ép, song nhiều ý kiến cho rằng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ thực hiện được.
Kiềm chế lạm phát dưới 4% có thể đạt được trong năm 2019 - Ảnh: Minh Chiến
Nhìn nhận về bức tranh kinh tế năm 2019, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng có thể lạm phát năm 2019 còn thấp hơn trong năm 2018 đã qua. Theo ông Độ, cả 3 yếu tố khiến cho lạm phát những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá dầu, giá thịt lợn và tỉ giá đều được dự báo sẽ giảm hoặc ổn định hơn trong năm 2019. "Do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019 gần như sẽ thực hiện được" - ông Độ nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, áp lực đối với tỉ giá trong năm 2019 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm 2018. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những động thái theo chiều hướng "giảm nhiệt".
Việt Nam cũng có rất nhiều thuận lợi để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, CPI các năm gần đây đều thấp dưới 4%, lạm phát cơ bản các năm gần đây cũng đạt thấp dưới 2%, cung hàng hóa tương đối dồi dào, kinh tế vĩ mô ổn định. Nếu triển khai thực hiện tốt các giải pháp thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2019.
Nhiều thách thức
Mặc dù nhận định Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát dưới mức 4% năm 2019, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra các sức ép, thách thức đối với cơ quan quản lý trong bối cảnh hiện tại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá giữ lạm phát khoảng 4% là một thách thức không nhỏ trong năm 2019.
Ông Ngô Trí Long nhận định trong năm nay giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như dịch bệnh đối với vật nuôi gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm.
Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu sẽ gây sức ép lên việc kiểm soát lạm phát - Ảnh: Minh Chiến
Vị chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như lương tối thiểu vùng tăng từ 1-1-2019, điều chỉnh giá điện hay một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, xu hướng tăng giá của đồng USD tác động đến tỉ giá trong nước. "Năm 2019 sẽ chịu áp lực từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công"- ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Về bài toán kiềm chế lạm phát trong năm nay, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định giá hàng hóa thế giới năm 2019 được dự báo có thể tăng và việc Cục Dự trữ liên bang (FED) dự định sẽ tăng tiếp lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019. Do vậy, đồng USD sẽ tăng giá tạo sức ép lên tỉ giá và gây sức ép lên lạm phát.
"Mục tiêu tăng trưởng GDP tương đối cao, trong khi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chưa đổi mới căn bản cũng là nguyên nhân tạo sức ép lên lạm phát. Việc tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình tại một số địa phương hay tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là những yếu tố gây áp lực lên kiềm chế lạm phát"- ông Phương nhận định.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mặc dù có chiều hướng "giảm nhiệt" nhưng có thể tạo ra những cú sốc tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết trước hết cơ quan quản lý cần chủ động theo dõi, phân tích thông tin và dự báo diễn biến tình hình kinh tế, tài chính, giá cả thế giới, trong nước để chủ động có phương án phù hợp, kịp thời.
Ông Long cũng đề xuất cần thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chi thường xuyên.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2019 vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
Người Lao động