Kiểm soát tốt chi phí vốn, VPBank tối ưu cơ hội kinh doanh trong quý 2
Nhờ kiểm soát chi phí vốn hiệu quả, VPBank ghi nhận tăng trưởng ổn định ở các phân khúc chiến lược trong quý 2.
Ngân hàng tập trung khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh nhờ diễn biến tích cực của thị trường, đồng thời kỳ vọng triển vọng kinh tế phục hồi mạnh hơn trong những tháng tới sẽ giúp hệ sinh thái đạt được các mục tiêu kinh doanh của năm 2024.
Quản lý bảng cân đối hài hòa, tăng cường hiệu quả hoạt động
Thích ứng trong giai đoạn khó khăn đầu năm, VPBank duy trì tăng trưởng tín dụng ổn định, cân đối với huy động đầu vào hợp lý, giải ngân tại nhiều phân khúc, ngành nghề, đáp ứng nhu cầu vốn đa dạng của nền kinh tế.
Quy mô tín dụng của ngân hàng hợp nhất tại thời điểm cuối tháng 6 đạt gần 647 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng mẹ, trong đó, chạm mốc 570 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2023, chảy vào các lĩnh vực trọng yếu như sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, đầu tư…
Hai phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (KHCN) và SME tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ, với tỷ trọng ở mức 56% và dư nợ tăng ròng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Chiến lược thu hút khách hàng mới và đẩy mạnh số hóa quy trình cho vay nâng cao trải nghiệm khách hàng của VPBank là chìa khóa giúp dư nợ cho vay SME gia tăng trong quý 2 vừa qua.
Cùng với đó, phân khúc KHCN ghi nhận tăng trưởng dư nợ tập trung ở các sản phẩm cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng. Cho vay mua nhà phố nối tiếp đà tăng từ quý 1 với tăng trưởng đạt 7%, chiếm tỷ trọng 53% trên tổng danh mục cho vay mua nhà của ngân hàng. Đây được xem như trái ngọt của các điều chỉnh chính sách kinh doanh kịp thời của VPBank và các chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản trong thời gian qua.
Huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá trong quý 2 của ngân hàng liên tục được điều tiết phù hợp với hoạt động cho vay, với mức tăng trưởng 7,6%, giúp hài hòa bảng cân đối kế toán. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản (LDR) và nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lần lượt đứng ở mức 81,1% và 23,5%, tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý, chi phí vốn (COF) tại ngân hàng mẹ giảm từ 4,7% trong quý 1 xuống 4,1% trong quý 2, nhờ đa dạng hóa nguồn vốn quốc tế với chi phí ưu đãi và tận dụng môi trường lãi suất thấp trong nước, tạo điều kiện cho ngân hàng hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý, góp phần cải thiện biên lãi thuần và củng cố lợi nhuận.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất của VPBank tăng gần 68% so với cùng kỳ, đạt hơn 8,6 nghìn tỷ đồng với đóng góp tới từ cả hệ sinh thái. Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng hơn 23%, đạt 21,5 nghìn tỷ đồng.
Nắm bắt cơ hội, tăng tốc bứt phá
Với năng lực quản trị hiệu quả, nỗ lực không ngừng kiện toàn bộ máy hoạt động, và sự nhạy bén nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời, VPBank kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá, hoàn thành mục tiêu kinh doanh của năm trong những tháng tới đây.
Trong quý 2, VPBank giữ vững công tác kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tài sản, bảo đảm an toàn hoạt động, trong khi tiếp tục đồng hành cùng khách hàng đi qua giai đoạn khó khăn, thách thức của thị trường. Thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất tiếp tục duy trì ở vị trí đầu ngành 15,6%.
Tại FE Credit, hoạt động tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện chất lượng danh mục, tăng cường hiệu quả thu hồi nợ và tối ưu bộ máy vận hành đã từng bước đưa công ty tài chính tiêu dùng tìm lại chu kỳ tăng trưởng mới – hướng tới sự bền vững trong trung - dài hạn. Theo đà phục hồi của cầu tiêu dùng, tín dụng cốt lõi từ mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit trong quý 2 tăng trưởng 3,5% so với quý 4, 2023. Doanh số giải ngân trong quý 2 tăng 9% so với quý 1 và 6 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, tệp khách hàng FDI của VPBank, tại cuối quý 2, đã chạm mốc gần 500 khách hàng với quy mô huy động đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng. Tệp khách hàng này được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng nhờ khai thác mạng lưới rộng khắp của đối tác chiến lược SMBC trong thời gian tới, bổ trợ bởi các gói sản phẩm cho vay cạnh tranh VPBank thiết kế dành riêng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI.
Với dự báo kinh tế tăng trưởng quanh 6,5% cho cả năm 2024 và nền tảng tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, quý 2 tăng 6,93% so với cùng kỳ, khu vực dịch vụ tăng khá, cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao, VPBank xác định tập trung đẩy mạnh các phân khúc chiến lược KHCN, SME, tài chính tiêu dùng và phân khúc mới nổi FDI, nhằm tối ưu các cơ hội kinh doanh thị trường mang lại và tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
VPBank là 1 trong 2 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam, thể hiện trách nhiệm, đóng góp của 1 doanh nghiệp tư nhân với đất nước, theo bảng xếp hạng các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam của CafeF (Private 100 – Top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam). Theo đó, số tiền nộp ngân sách năm 2023 của VPBank lên tới 5.977 nghìn tỷ đồng.
Tổ Quốc
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Ngân hàng nào tối ưu chi phí hoạt động nhất 6 tháng đầu năm 2024?
- Ngân hàng nào cho vay nhiều nhất nửa đầu năm 2024?
- PVcomBank tăng gần 60% lợi nhuận trong nửa đầu năm 2024
- Kỳ vọng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện hơn
- Các ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ kinh doanh ra sao trong nửa đầu năm 2024?