MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Đạm Hà Bắc khẳng định vẫn cân đối được dòng tiền

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Đạm Hà Bắc khẳng định vẫn cân đối được dòng tiền

Đạm Hà Bắc (DHB) từng là 'cánh chim đầu đàn' của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam.

CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) đã công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021.

Thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2015 đến nay

Theo đó kết thúc 6 tháng đầu năm, DHB ghi nhận doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 1.867 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 158 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ 136 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, DHB vẫn báo lỗ hơn 414 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 lên 5.162 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Đạm Hà Bắc, 6 tháng đầu năm 2021 giảm lỗ so với cùng kỳ nhờ thị trường phân bón có nhiều chuyển biến tích cực, giá Urê, NH3 thế giới và trong nước đều tăng cao so cùng kỳ, hàng hóa tiêu thụ tốt, doanh thu tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, tình hình tài chính chưa được cải thiện, các cơ chế tháo gỡ khó khăn chưa được giải quyết, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn, do đó kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn còn thua lỗ. DHB đã linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ tài chính, tiến hành mọi biện pháp để cân đối và đảm bảo đủ dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, luật thuế đưa sản phẩm phân bón thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gây bất lợi kép cho Công ty, do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.

Trước thời điểm năm 2015, Đạm Hà Bắc liên tục có lãi thậm chí 13 năm liên tục, từ 2002-2014 công ty đã tích góp được hơn 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Bắc Giang giai đoạn này cũng lên tới hơn 1.800 tỷ đồng.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Đạm Hà Bắc khẳng định vẫn cân đối được dòng tiền - Ảnh 1.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Đáng chú ý, kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về vấn đề tổng nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.601 tỷ đồng, lỗ lũy kế 5.162 tỷ đồng lớn hơn vốn chủ sở hữu 2.393 tỷ đồng. Các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tuy nhiên, BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 của DHB được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì Ban TGĐ tin tưởng rằng Công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh thông thường của DHB.

Bên cạnh đó DHB ghi nhận nguyên giá và trích khấu hao tài sản cố định hình thành từ dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, theo Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do chủ đầu tư lập ngày 01/12/2017 chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Quá trình quyết toán dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu chưa thống nhất được giá trị quyết toán các gói thầu số 8, 9, 10, 14 và hợp đồng tư vấn kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng, dẫn đến phát sinh các khoản công nợ liên quan đến nhà thầu nước ngoài và các khoản công nợ khác.

Với các bằng chứng thu thập được và thủ tục thay thế khác, kiểm toán viên chưa đủ cơ sở để đưa ra tính hiện hữu và đầy đủ các khoản công nợ trên cũng như các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh trong tương lai liên quan đến việc quyết toán của Công ty.

Giải trình cho vấn đề này, DHB cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về tiến độ quyết toán dự án hoàn thành xong năm 2017, ngày 01/07/2017, Công ty đã hoàn thiện Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, trong đó hợp đồng EPC tự quyết toán.

Trong thời gian qua, Công ty vẫn tiếp tục phối hợp, đôn đốc nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Tuy nhiên, đến nay, 2 bên chưa thống nhất 1 số nội dung vướng mắc. Do vậy, đến nay, chưa quyết toán A-B hợp đồng EPC và chưa đủ cơ sở phê duyệt quyết toán dự án cũng như chưa xác nhận được với Nhà thầu các khoản công nợ liên quan.

Đạm Hà Bắc đã rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015. Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.

Gánh nặng trăm tỷ lãi vay mỗi năm

Kết quả thua lỗ nhiều năm, theo giải thích trước đó của ban lãnh đạo công ty, là do diễn biến trái chiều của giá khí và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của nhà máy chạy than như Đạm Hà Bắc.

Ngoài chi phí sản xuất thì lãi vay là khoản chi tiêu tốt hàng trăm tỷ đồng mỗi kỳ của Đạm Hà Bắc. Mỗi năm DHB chi ra tới cả vài trăm tỷ đồng tiền chi phí lãi vay.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Đạm Hà Bắc khẳng định vẫn cân đối được dòng tiền - Ảnh 2.

Tính đến 30/6/2021 DHB đang có tổng vay nợ là 6.640 tỷ đồng trong đó khoản vay lớn nhất của DHB là để đầu tư dự án cải tạo và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với giá trị tổng cộng 7.000 tỷ đồng.

Trong đó có hơn 3.485 tỷ đồng được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hợp đồng tín dụng ký năm 2008, đáo hạn vào năm 2023. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, áp dụng lãi suất cố định 10,78%/năm. Cũng để tài trợ cho dự án này, Đạm Hà Bắc vay 222 triệu USD với lãi suất 5,5%/năm tại VietinBank hồi năm 2010.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, Đạm Hà Bắc khẳng định vẫn cân đối được dòng tiền - Ảnh 3.

Việt Dũng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên