Kiểm toán người nộp thuế làm gì?
Nhiều đại biểu thắc mắc như vậy tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức ngày 20-3.
- 11-03-2019Nhiều phản ứng với đề nghị kiểm toán cả người nộp thuế
- 11-03-2019Tour 0 đồng doanh thu lớn, nộp thuế "bèo"
- 06-03-2019Từ ngày 1/4/2019: Không dùng tiền mặt nộp thuế và lệ phí cho cơ quan Hải quan
Theo báo cáo giải trình về dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước (KTNN, cơ quan soạn thảo) cho biết trong quá trình kiểm toán, đối chiếu thuế tại các cơ quan thuế, cơ quan này phát hiện nhiều trường hợp sai sót trong việc áp dụng thuế suất, miễn giảm và hoàn thuế sai, tính tiền phạt nộp chậm… dẫn đến thất thu ngân sách.
Khi KTNN tiến hành kiểm tra, một số đối tượng nộp thuế không cung cấp tài liệu gây khó khăn cho công tác kiểm toán. Trong khi đó, pháp luật chưa quy định rõ ràng đối tượng nộp thuế nào phải được kiểm toán. Vì thế, KTNN đã bổ sung đối tượng kiểm toán là người nộp thuế vào dự thảo.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo tỏ ra không đồng tình và cho rằng nếu KTNN được kiểm tra thông tin của người nộp thuế, có nghĩa cơ quan này đã giẫm chân vào chức năng, nhiệm vụ của ngành thuế và một số ngành khác.
Đại diện VKSND TP HCM cho biết một trong những chức năng, nhiệm vụ của KTNN là kiểm tra công tác thu thuế của các cơ quan thuế, tìm ra các sai sót trong việc quản lý thuế để góp ý điều chỉnh, giúp cho nguồn thu từ thuế đạt hiệu quả, chứ KTNN không có chức năng kiểm tra người nộp thuế nên việc đưa đối tượng này vào diện kiểm toán là không đúng.
Các cá nhân và doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Ông Hồ Trọng Hiệp, Trưởng Ban Đối ngoại Hội Kế toán TP HCM, cho rằng lập luận của KTNN chưa thuyết phục, chưa phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Ngân sách nhà nước 2015 và ngay cả Luật KTNN 2015. Theo đó, KTNN nhận định thuế là nguồn thu của ngân sách nên người nộp thuế cần phải được kiểm toán là không đúng bản chất. Bởi, hoạt động kiểm toán không thể bao gồm toàn bộ quá trình hình thành nguồn thu đến các hoạt động quản lý, sử dụng. Mặt khác, không phải ở đâu cũng có người nộp thuế và đều có nguồn thu từ thuế. Người nộp thuế chỉ phát sinh nghĩa vụ nộp thuế khi họ đạt được một số điều kiện nhất định, ví dụ kinh doanh có lãi. Do đó, KTNN đồng nhất khái niệm người nộp thuế với nguồn thu từ thuế để từ đó đưa người nộp thuế vào đối tượng kiểm toán là không hợp lý.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cũng đánh giá việc đưa người nộp thuế vào diện kiểm toán có nhiều điểm bất hợp lý. Nếu quy định này trở thành hiện thực, KTNN sẽ phải soát xét đến từng ngõ ngách sâu xa nhất của nền kinh tế, điều chỉnh hành vi của từng cá thể trong xã hội. Điều này vô cùng lạ lẫm với thông lệ quốc tế. Căn cứ pháp lý để KTNN thực hiện nội dung này là điều 14 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nêu rõ: "Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của nhà nước", mà ngân sách nhà nước thuộc tài chính công. Vì vậy, KTNN cho rằng hễ các đối tượng nào có liên quan đến ngân sách nhà nước, ắt phải bị kiểm toán. Việc dựa vào sự suy luận câu chữ của một điều khoản luật để làm cơ sở cho một sự thay đổi có tác động to lớn đến cả nền kinh tế là quá thiếu cơ sở và phi lý. "Hơn nữa, việc này sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro do khối lượng công việc đồ sộ mà KTNN phải xử lý nếu điều luật này được thông qua. Khi đó, nguồn lực của KTNN chắc chắn sẽ bị phân tán và tính hiệu quả của các hoạt động KTNN vốn có sẽ bị suy yếu" - ông Bảo đánh giá.
Người lao động