Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng trong năm 2021
Tính đến ngày 15/12/2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng; phát hiện và kiến nghị, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
- 05-01-2022Giải mã nguyên nhân VinFast liên tục 'rót tiền' vào các startup Israel thời gian qua
- 05-01-2022Tại sao giáo viên không được mua, nhận tặng cho đất trồng lúa?
- 05-01-2022So sánh kinh tế học cổ điển và trường phái Keynes: Đâu mới là yếu tố tác động tới giá cổ phiếu?
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng nay 5/1.
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, tích cực đổi mới, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm. Bên cạnh tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin, nhiều giải pháp mới đã được Kiểm toán Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ.
Tính đến 15/12/2021, toàn ngành đã phát hành 154 báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán kết thúc cơ bản thực hiện đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu Ngân sách Nhà nước khoảng 7.480 tỷ đồng, giảm chi Ngân sách Nhà nước hơn 10.200 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 43.800 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 với mục tiêu chiến lược về kiểm toán môi trường và kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, tiêu biểu là việc triển khai thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì tại khu vực Đông Nam Á, phối hợp với các thành viên trong ASOSAI xây dựng cuộc kiểm toán trong khuôn khổ hợp tác quốc tế “Việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: Hệ thống y tế quốc gia vững mạnh và nhanh chóng phục hồi”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cùng các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên thuộc Ban Điều hành dẫn dắt ASOSAI thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược của ASOSAI, đặc biệt thực hiện Tuyên bố Hà Nội với nhiều kết quả nổi bật.
“Những chương trình hoạt động của ASOSAI giai đoạn 2018-2021 là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của cộng đồng ASOSAI nói chung và Kiểm toán Việt Nam nói riêng. Kiểm toán Việt Nam đã chủ động tích cực cử công chức, kiểm toán viên tham gia nhiều diễn đàn quan trọng của hợp tác chuyên môn của tổ chức quốc tế và các cơ quan kiểm toán tối cao. Kết quả hoạt động đã minh chứng cho những nỗ lực của Kiểm toán Việt Nam trong việc chủ động tích cực thực thi vai trò, trách nhiệm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực”, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác, tích cực đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán, nâng cao vai trò và vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng./.
VOV