Kiến nghị cấm đòi nợ thuê: Không xã hội đen cũng cấm tất cho lành?
Nếu các cơ quan thực thi pháp luật làm hết trách nhiệm và bảo vệ tốt quyền lợi của người cho vay thì người dân đã không phải dựa nhiều vào dịch vụ đòi nợ thuê.
- 29-09-2018Bộ Công an chỉ đạo tăng cường phòng, chống tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tiệm vàng
- 29-09-2018Dễ như cướp ngân hàng?
- 29-09-2018"Lỗ nhỏ đắm thuyền", đừng để vài cá nhân thiếu chuyên nghiệp làm mất hình ảnh đẹp của ngân hàng
-
Khi nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản thì không phải là được, mà nhiều khi còn mất. Ít nhất thì cũng phiền hà, rắc rối và mất thời gian để giải quyết.
-
Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì. Tương tự, người đi mua giùm cho người khác cũng không hề vi phạm
Mới đây, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.
Theo quan điểm của UBND TP.HCM, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico – cho rằng đây là một “kiến nghị kỳ lạ”, thể hiện rõ tư duy cái gì không quản được thì cấm.
“Theo tôi, không những không thể cấm, vì hoạt động đòi nợ là rất cần thiết, là tất yếu sau cho vay và không có lý do cấm theo quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Đầu tư năm 2014,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Ông Đức cho rằng nếu các cơ quan thực thi pháp luật làm hết trách nhiệm và bảo vệ tốt quyền lợi của người cho vay thì người dân đã không phải dựa nhiều vào dịch vụ đòi nợ thuê.
Tất nhiên, vấn đề là ở chỗ hoạt động đòi nợ thuê dễ gây những ảnh hưởng xấu đến người nợ, dễ bị lợi dụng và dễ phát sinh vi phạm pháp luật, nên cần phải quản lý một cách chặt chẽ.
Vì thế pháp luật đã xác định đó là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cũng đã quy định điều gì không được làm trong quá trình đòi nợ.
Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Chỉ có cái gì là mặt trái, là bất hợp pháp thì mới cấm, chứ bản thân dịch vụ đòi nợ thuê không có “tội”.”
Trên thực tế, đòi nợ thuê và tín dụng đen thường “đi đôi’ với nhau, nhưng cần tách bạch giữa đòi nợ hợp pháp và đòi nợ bất hợp pháp. Tín dụng đen gắn với 3 yếu tố bất hợp pháp: Cho vay không được phép; lãi suất vượt luật rất cao; và đòi nợ với những hành vi trái luật.
“Tất cả những gì bất hợp pháp thì đều phải cấm. Tín dụng đen là bất hợp pháp, thì việc đòi nợ thuê cho tín dụng đen cũng là bất hợp pháp. Như vậy thì phải cấm cả hai và tất nhiên là cần xử lý cái gốc trước, tức cho vay bất hợp pháp sinh ra đòi nợ bất hợp pháp chứ không phải là ngược lại,” Luật sư Đức nói.
“Rồi tiếp đến, dịch vụ đòi nợ không được cấp phép thì cũng là bất hợp pháp cũng phải cấm. Còn đòi nợ thuê hợp pháp đối với cho vay hợp pháp thì chẳng có lý do gì lại cấm”.
Một vụ đối tượng đòi nợ thuê kiểu xã hội đen khủng bố tinh thần gia đình con nợ bằng cách đổ sơn hoặc chất thải vào nhà, dán giấy trước cửa nhà.
Hoạt động của tín dụng đen và đòi nợ thuê bất hợp pháp là một hiện tượng kinh tế - xã hội phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên cũng cần nhiều giải pháp đồng bộ thì mới có thế hạn chế.
Tuy nhiên trước hết, cần phải thực hiện giải pháp khoa học, loại trừ bớt vi phạm.
Cụ thể hơn, ông Đức cho rằng cần xác định lại trần lãi suất cho vay, làm rõ ranh giới vi phạm giới hạn lãi suất cho vay. Trần lãi suất cho vay 20% đối với mọi trường hợp, mọi đối tượng là không hợp lý, nhất là đối với các khoản vay nhỏ lẻ và thời hạn ngắn.
Theo đó, trần lãi suất cần phân thành các trường hợp khác nhau và mức trần ít nhất là 50%/năm.
Nhìn lại quá khứ, khoản 3, Mục II, Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19-5-1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại “Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ” đã từng quy định lãi suất cho vay cầm đồ cao hơn đối với các tổ chức tín dụng gấp hơn 3 lần nếu tính theo tháng và hơn 9 lần nếu tính theo ngày (trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất không quá 0,3 %/ngày, tức 1.095%/năm, từ 10 ngày trở lên không quá 3%/tháng, tức 36%/năm).
Do đó, cần thúc đẩy các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty tài chính,…mới có thể hạn chế tín dụng đen bất hợp pháp.
Giải pháp hành chính là phải phát hiện kịp thời và xử phạt nặng các vi phạm trong cho vay nói chung và tín dụng đen. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay mới chỉ có quy định xử phạt cho vay vượt trần lãi suất đối với trường hợp cho vay cầm đồ hay “cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác” (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ “Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình”), mà chưa có quy định xử phạt đối với các trường hợp cho vay khác.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh cần điều tra và xử phạt tội phạm cho vay lãi nặng nói riêng theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, người cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên mà thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội cho vay nặng lãi, chưa được xóa án tích, thì có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng trở lên hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.
Thời gian qua, một số ngân hàng cũng đã phải sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê nhằm ngăn chặn nợ xấu. Các công ty dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động hợp pháp nên ngân hàng cũng như các đối tượng khác đều có thể sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cho rằng nếu các công ty dịch vụ đòi nợ có những hành vi phạm pháp hoặc những biện pháp thái quá, gây “dị ứng”, lo ngại cho khách hàng thì ngân hàng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu.
“Thường thì đây là bài toán đánh đổi, ngân hàng càng gây sức ép thu hồi nợ mạnh hơn thì càng dễ mất đi sự thiện cảm trong con mắt của khách hàng và công chúng,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.