Kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng qua kiểm toán các dự án đầu tư công
Qua kiểm toán các dự án đầu tư công hằng năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, giảm thanh toán và các xử lý khác.
- 17-05-2024Bộ Tài chính “bêu tên” hơn 300 dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 0%
- 17-05-2024Công khai địa phương để dự án đầu tư công giải ngân 0% kế hoạch
- 14-05-2024Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện
Lộ nhiều bất cập qua 53 cuộc kiểm toán
Đầu tư công được xác định là động lực của tăng trưởng, trở thành “vốn mồi” dẫn dắt, lan tỏa trong thu hút các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2023, đầu tư công đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, với số vốn được Quốc hội thông qua là 711.684 tỷ đồng, đến cuối tháng 1/2024 đã phân bổ chi tiết 708.252 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư công vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Tổng hợp kết quả kiểm toán lĩnh vực đầu tư công , KTNN cho biết, từ năm 2017 - 2022, đã thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về đầu tư công. Các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Điển hình như kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán công tác lập, phân bổ vốn đầu tư chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội; kiểm toán đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thủy điện Hoà Bình…
Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ rõ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Trong đó, chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Qua kiểm toán cho thấy, hầu hết các dự án đều phải điều chỉnh quy mô, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Ngoài ra, tình trạng chậm tiến độ còn xảy ra phổ biến ở nhiều dự án và có xu hướng gia tăng. Việc chậm tiến độ các công trình, dự án đã làm tăng chi phí và giảm hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án hạ tầng quan trọng.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng “vốn chờ dự án”. Nghĩa là, nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hằng năm nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn dẫn đến không phân bổ hết số vốn được giao.
Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, bố trí vốn chưa đúng tiêu chí, chưa ưu tiên cho những dự án cấp bách, quan trọng, dự án có khối lượng lớn vẫn còn diễn ra tại một số bộ, ngành, địa phương.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí
Trong bối cảnh đó, từ các kiến nghị kiểm toán, Bộ KH&ĐT và các cơ quan đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý đầu tư công hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Điển hình như, đã khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Vốn đầu tư công cũng được bố trí tập trung hơn, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí; tăng cường quyền tự chủ, chủ động, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lựa chọn, phê duyệt, phân bổ vốn cho dự án cụ thể theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển.
Về thể chế, từ đầu năm 2021 đến nay, trên cơ sở kiến nghị của KTNN và một số bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội. Từ đó trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề mới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng lưu ý, qua kiểm toán các dự án đầu tư công hằng năm, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm thu hồi nộp ngân sách Nhà nước, giảm thanh toán và xử lý khác; đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót; phát hiện nhiều sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và cơ quan nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công...
Tiền phong