Kinh doanh trên mái nhà, biến mỗi hộ gia đình thành một nhà máy phát điện
Vận tải có Uber, Grab; khách sạn có Airbnb; bất động sản văn phòng có Wework...mô hình kinh tế chia sẻ khai thác nguồn tài nguyên sẵn có của xã hội đang được áp dụng với điện mặt trời áp mái, biến mỗi mái nhà thành một nhà máy phát điện.
Kinh tế chia sẻ từ mái nhà "để không"
Nhà bà Nguyễn Như Xuyến (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) xây khu trọ cho sinh viên đến thuê, mỗi tháng tính ra cũng mất vài ba chục triệu tiền điện. Vốn chỉ biết việc cứ đến ngày là thanh toán hoá đơn, những khái niệm "điện mặt trời", "kí điện", "đấu nối công tơ hai chiều" quá xa lạ với bà. Nhưng kể từ ngày xem tivi và biết nhà mình rất phù hợp để lắp điện mặt trời áp mái, bà tham khảo thêm một vài người quen và quyết định "xuống tiền" lắp hệ thống điện mặt trời 5 "kí" (kW). "Không nghĩ có một ngày hoá đơn tiền điện giảm được 70%, sau này lắp thêm vài "kí" còn bán được điện dư cho Nhà nước." - Bà Xuyến kể.
Từ các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM đến các hộ gia đình nhỏ lẻ, những tấm pin mặt trời áp mái đang phủ lên ngày càng nhiều những mái nhà Việt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho EVN. Đúng như tên gọi, nhà đầu tư tận dụng được tài nguyên có sẵn chính là mái nhà của gia đình hay nhà xưởng ở khu công nghiệp để vừa tiết kiệm điện cho nhu cầu sinh hoạt, vừa tự sản xuất điện và bán số dư cho EVN, hoàn vốn sau 5-6 năm, mà chi phí bỏ ra không "ngất ngưởng" như nhiều loại hình đầu tư khác.
Đối tượng nào nên "chia sẻ và kiếm tiền" từ mái nhà?
Các khu công nghiệp có diện tích mái lớn là đối tượng phù hợp nhất để theo đuổi mô hình này, tuy nhiên các hộ gia đình cũng có thể áp dụng để kinh doanh sinh lời. Giá 1 "kí" (kW) điện mặt trời áp mái bán cho EVN ở mức 1.943 đồng, tương đương 8.38cent USD, đây là mức giá cao so với các loại điện mặt trời khác như điện mặt trời trang trại hay nông nghiệp.
"Một hệ thống điều hành điện thông minh sẽ tích trữ điện để bán điện vào giờ cao điểm với giá cao hơn. Khi đó, các hộ gia đình sẽ là những nhà kinh doanh điện chứ không hẳn là những công ty chuyên về năng lượng. Đây chính là mô hình kinh tế chia sẻ giống như Uber, Grab" – lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hà (SHI) chia sẻ.
Từ hộ gia đình đến các khu công nghiệp đều là đối tượng nhắm đến của điện mặt trời áp mái.
Muốn sinh lời, phải dựa trên công nghệ và bảo hành
Trên thực tế mô hình lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái đã được doanh nghiệp và hộ gia đình ở các nước tiên tiến như Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, v.v áp dụng từ nhiều năm về trước. Chính vì sự nở rộ của nhu cầu, nên thị trường xuất hiện vô số nhà cung cấp. Đây là một điểm gây "nhiễu" cho người tiêu dùng khi phải dè chừng tình trạng thông tin không minh bạch, xuất xứ mơ hồ, chế độ bảo hành bảo dưỡng không đáp ứng được độ hao mòn của sản phẩm và không có cam kết lợi nhuận rõ ràng chính thống.
Sản phẩm công nghệ tốt và bảo hành định kỳ mới phát huy được yếu tố sinh lời
Quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư điện mặt trời áp mái là phải chú trọng đến công nghệ ứng dụng và chế độ bảo hành, bảo dưỡng của sản phẩm. Các tên tuổi lớn như Viettel, Sơn Hà với tấm pin FreeSolar… là những cái tên được bảo chứng về công nghệ, thay vì lựa chọn nhiều tấm pin có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ giảm hiệu suất chỉ sau 1-2 năm sử dụng. Điển hình như Sơn Hà đã thành công khi lắp đặt tấm pin mặt trời FreeSolar và thu về hiệu quả kinh tế tại nhiều khu đô thị như Vinhomes Riverside Hà Nội, công ty Sông Hồng Thủ Đô ở Vĩnh Phúc và các hộ gia đình ở Hà Nội, TPHCM. Các tên tuổi lớn này cũng có sự hợp tác với các ngân hàng hay Tổng công ty Điện lực để hỗ trợ các vấn đề về tín dụng, thiết bị hỗ trợ cho người dân.
Việc tận dụng không gian nhàn rỗi, biến mái nhà thành nguồn sinh lợi là một phương án tạo ra dòng tiền bền vững, ít rủi ro cho doanh nghiệp và hộ gia đình khi các chính sách phát triển điện mặt trời đang ngày càng được quan tâm và tạo nhiều ưu đãi.