MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu?

08-06-2023 - 09:23 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu?

Có thể đây sẽ là cú sốc khiến nền kinh tế top 1 châu Âu chứng kiến mức tăng trưởng tổng thể “không vượt quá 1%” trong nhiều năm tới.

Hơn 20 năm làm giám đốc tại Schuko, Andre Schulte-Suedhoff (46 tuổi) chưa từng phải “tự tay” tham gia vào dây chuyền sản xuất nhà máy của mình. Hiện tại, không những vậy, ông còn dành những ngày cuối tuần để lắp ráp thiết bị lọc không khí.

Tất cả vì tình trạng “thiếu công nhân”. Được biết, nhà máy quy mô gia đình của Andre với 200 công nhân nay đã thiếu 15 người (hụt 7,5% nguồn lao động).

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu? - Ảnh 1.

Andre Schulte-Suedhoff tại nhà máy của công ty

Tương tự, việc hàng nghìn công ty khác trên khắp nước Đức gặp tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến và gây nhiều thiệt hại.

Theo một mô phỏng của Viện nghiên cứu thuộc chính phủ Đức, có thể lực lượng lao động 47 triệu người của đất nước sẽ ngừng phát triển. Có lẽ nó đã thực sự xảy ra.

Đức là nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, đồng thời đóng vai trò cường quốc sản xuất trên thế giới. Theo thời gian, điều kiện sống của người dân được nâng cao nhờ sự mở rộng đều đặn của lực lượng lao động.

Tuy nhiên, đầu năm nay, ngân hàng KfW đã tuyên bố “những ngày đó đã qua”. Nền tảng cho sự tăng trưởng thịnh vượng đó đang có dấu hiệu sụp đổ.

Bloomberg nhận định, nếu không có sự thay đổi lớn, lực lượng lao động của Đức sẽ giảm đáng kể trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và đẩy lạm phát lên cao. Chưa hết, nó sẽ đặt ra những thách thức khó khăn đối với các công ty sản xuất như Schuko - vốn là xương sống của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trong thập kỷ tới, nguồn cung lao động nước này dự kiến giảm 3 triệu người, tương đương 7%, trừ khi những người Đức về hưu được thay thế bằng một lượng lớn người di cư.

Ước tính, Đức cần 400.000 người nhập cư mới mỗi năm. Mặc dù con số này đã đạt được ở nhiều thời điểm trong quá khứ nhưng theo thống kê, chỉ khoảng một nửa số người di cư tới trong thời điểm đó tìm được việc làm sau 5 năm.

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu? - Ảnh 2.

Dân số trong độ tuổi lao động ở Đức thực sự đã đạt đỉnh vào cuối thế kỷ trước. Nhưng quốc gia này đã ngăn chặn được sự sụt giảm nhân khẩu học trong một thời gian nhờ sự xuất hiện của hàng triệu người nhập cư và số lượng phụ nữ đi làm ngày càng tăng. Nhưng cả hai xu hướng hiện đang mờ dần khi những người thuộc thế hệ baby-boomers dần nghỉ hưu.

Điều đó có nghĩa nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào việc tăng năng suất của người lao động để thúc đẩy mở rộng. Do đó, tăng trưởng chung khó có thể vượt quá 1% trong nhiều thập kỷ, theo dự báo từ Bloomberg Economics.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo “không ổn” tương tự. Kevin Fletcher, cố vấn của IMF từng nói với các nhà báo vào tháng 5 rằng: “Những cơn gió ngược từ việc già hóa dân số đã xuất hiện và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới”.

Theo Bloomberg Economics, tăng trưởng kinh tế Đức phải đối mặt với lực cản nhân khẩu học - lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia phương Tây nào trong tương lai.

Chỉ có Nhật Bản - tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động thấp hơn cùng dân số già đi nhanh - là “trượt xa” hơn theo quỹ đạo này so với Đức.

Theo một số phân tích, 2 đòn bẩy chính dành cho các nhà hoạch định chính sách là tăng số lượng người lao động và tận dụng tối đa lực lượng sẵn có. Nhưng cả hai được chứng minh là rất khó khăn.

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu? - Ảnh 3.

Người di cư là một “điểm cộng” cho nền kinh tế Đức và vẫn là cách khả thi nhất để thay đổi quỹ đạo của đất nước. Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil đã cam kết rằng chính phủ sẽ “dốc hết sức mình” để thu hút lực lượng lao động có kỹ năng. Nhưng làn sóng người nhập cư từ Trung và Đông Âu đang chậm lại khi mức sống ở những nước này bắt kịp Đức.

Một nhóm mà quốc gia này có thể thành công trong việc khai thác là những người trong độ tuổi nghỉ hưu. Mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể kể từ năm 2000, nhưng nó đã bị đình trệ trong vài năm qua.

Bloomberg cho biết, chưa đến 9% người Đức từ 65 tuổi trở lên đang làm việc, so với gần 20% ở Mỹ và 25% người cao tuổi Nhật Bản.

Schulte-Suedhoff cho biết công ty của ông đã cố gắng thuyết phục những nhân viên lâu năm tiếp tục làm việc sau khi họ đến tuổi nghỉ hưu. “Rất may, một số sẵn sàng làm điều đó. Nếu không tình hình sẽ còn thảm khốc hơn nữa”, ông nói thêm.

Mặt khác, ngay cả khi Đức thấy khó tăng số lượng lao động, dù là từ nước ngoài hay bằng cách khiến mọi người trì hoãn việc nghỉ hưu, thì tăng trưởng trong tương lai vẫn có thể được thúc đẩy bằng cách gia tăng sản lượng của mỗi người.

Trong nhiều năm, lợi thế của Đức là năng suất khiến nhiều nước khác “ghen tị” - được hỗ trợ bởi hàng nghìn công ty ô tô và kỹ thuật công nghệ cao, từ các công ty nhỏ Mittelstand đến các cường quốc toàn cầu như Siemens hay Volkswagen.

Nhưng sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, năng suất lao động của Đức đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Nó tăng ít hơn 2% kể từ năm 2015, so với 8% ở Mỹ trong cùng thời kỳ, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Hiện tượng ChatGPT đã tạo nên làn sóng lạc quan mới trong năm nay rằng trí tuệ nhân tạo và người máy có thể giúp các nền kinh tế tiên tiến như Đức “xoay sở” được với tình hình dân số già của họ. Nhưng Schulte-Suedhoff không nghĩ rằng đây sẽ là một “con át chủ bài”.

Kinh tế Đức gặp ‘cú sốc’ lớn, ngành chủ lực bị chính người dân ‘mặc kệ’: Điều gì đang quật ngã nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu? - Ảnh 4.

Ông nói, công nghệ mới có thể tăng năng suất, nhưng bạn vẫn cần những công nhân lành nghề để bảo dưỡng robot hay thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Điều đó lại quay trở về điểm xuất phát.

Các ngành công nghiệp chế tạo và kỹ thuật công nghệ cao từ lâu đã là điểm lợi thế cạnh tranh của Đức. Trong quá khứ, các ngành này có được một lượng công nhân/người lao động ổn định. Nhưng hiện nay, những người trẻ tuổi nước này lại không muốn học những lĩnh vực đó nữa.

Tham khảo Bloomberg

Nhất Lưu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên