MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM tăng trưởng thế nào sau 6 tháng

6 tháng đầu năm, kinh tế TP HCM phục hồi theo mô hình chữ V với mức tăng hơn 3,8%. Ảnh: VnEconomy.

6 tháng đầu năm, kinh tế TP HCM phục hồi theo mô hình chữ V với mức tăng hơn 3,8%. Ảnh: VnEconomy.

GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội ước tăng gần 7,8%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ 2021. GRDP thành phố Đà Nẵng ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2 về tốc độ tăng trong khối 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 6 tháng đầu năm, kinh tế TP HCM phục hồi theo mô hình chữ V với mức tăng 3,82%.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ 2021.

Từ mức giảm sâu ở quý III và IV năm vừa qua lần lượt ở mức -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm nay, GRDP thành phố tăng 3,82%, trong đó quý II ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng vừa qua của thành phố ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm vừa qua. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 20.523 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới tăng 12% so với cùng kỳ 2021.

Tổng thu ngân sách Nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng gần 17,5% so với cùng kỳ.

Điểm sáng tiếp theo của kinh tế TP HCM là thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, nửa đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và phần vốn góp, mua cổ phẩn đạt 2,18 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết sau dịch Covid-19, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của thành phố diễn ra mạnh mẽ, đồng bộ, cơ bản đạt mức như giai đoạn trước dịch. Tuy vậy, người đứng đầu thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm để vừa giải quyết những công việc còn tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa giải quyết những phần việc mới, khó khăn hơn, thử thách hơn. Trong đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tập trung vào những công trình, dự án trộng điểm; đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp và tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến tình hình kinh tế nửa đầu năm, Cục Thống kê Đà Nẵng vừa cho biết GRDP thành phố 6 tháng vừa qua ước tăng 7,23% so với cùng kỳ 2021, xếp thứ 28 trên 63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP. 

Trong mức tăng 7,23% vừa nêu của Đà Nẵng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,37%, đóng góp 0,49 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,82%, đóng góp 6,5 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,78%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm.

Với những kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 2 về quy mô và tốc độ tăng GRDP trong khối 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng vừa qua Đà Nẵng vẫn được kiểm soát tốt với mức tăng bình quân 1,91%. Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất kể từ 2018.

Tổng thu ngân sách Nhà nước của Đà Nẵng tính đến ngày 20/6 đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.666 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định tình hình kinh tế - xã hội thành phố khởi sắc trên nhiều lĩnh vực kể từ cuối quý I. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện.

Trước những thách thức từ những diễn biến bên ngoài cũng như chi phí sản xuất có xu hướng tăng trong bối cảnh nguyên, nhiên liệu sản xuất tăng giá, Đà Nẵng xác định tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, duy trì và ổn định sản xuất, kinh đoanh trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, thành phố tiếp tục khôi phục hoạt động du lịch trên cơ sở bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước sản xuất; triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm cuối năm.

Đối với lĩnh vực sản xuất, thành phố sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành có liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất cá thể đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh...

Về lĩnh vực đầu tư, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa; có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu.

Kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM tăng trưởng thế nào sau 6 tháng - Ảnh 1.

GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội ước tăng gần 7,8%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ 2021. Ảnh Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.


Trước đó, thông tin về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch ước tăng 19,5% - gấp gần 5 lần mức tăng cùng kỳ 2021; tổng mức bán lẻ ước tăng 21,8% - gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước; khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng 79,5% và khách du lịch trong nước tăng 25,9%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8%.

Cũng theo báo cáo của UBND thành phố, nửa đầu năm, toàn thành phố giải ngân được 10.215 tỷ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm vừa qua. Theo đó, Hà Nội xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm bat là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

6 tháng cuối năm, thành phố xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có việc tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thành phố; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, giải pháp về kiểm soát giá cả, thị trường hay tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới, cũng được thành phố tính đến.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên