Kinh tế Mỹ liệu đã bước sang thời kỳ đen tối hơn?
Sẽ là sai nếu nói rằng cú lao dốc vừa qua hoàn toàn không ẩn chứa rủi ro kinh tế nào.
- 26-12-2017Tổng thống Donald Trump liệu có thay đổi được “vận mệnh” kinh tế Mỹ?
- 07-12-2017Giới phân tích: Nền kinh tế Mỹ sẽ "cất cánh" trong năm 2018
- 29-10-2017Kinh tế Mỹ cán đích, Tổng thống Trump "chiến thắng" trước các chuyên gia kinh tế
Trong suốt gần 2 năm qua, những nhà quan sát thị trường chứng khoán có rất ít thứ để viết, ngoại trừ việc các chỉ số liên tục chinh phục hết đỉnh này đến đỉnh khác. Để rồi những sự kiện của tuần trước bất chợt đã đánh thức thị trường, khiến mọi ngóc ngách của thế giới tài chính bừng tỉnh. Lợi suất trái phiếu tăng vọt dường như là dấu hiệu cảnh báo thị trường tài chính đang đứng trước bước ngoặt mới, và điều đó ngay lập tức đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. S&P 500 và Dow Jones giảm hơn 5%, trong đó Dow Jones có tới 2 phiên giảm hơn 1.000 điểm. Chứng khoán Mỹ đã trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ 2011.
Diễn biến của thị trường làm dấy lên những câu chuyện bàn tán về nguyên nhân và những hậu quả của cú lao dốc lần này. Nguyên nhân có vẻ khá rõ ràng. Các thị trường lo lắng rằng lương tăng sẽ ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp hoặc kích hoạt lên những đợt tăng lãi suất nhanh hơn dự báo và vùi dập tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng chẳng sai khi nói rằng một cánh bướm đập ở Indonesia cũng có thể khiến thị trường toàn cầu rực lửa bởi hiệu ứng cánh bướm sẽ khiến cơn bán tháo lan tỏa từ Mỹ ra khắp thế giới.
Vế thứ hai lại càng khó đoán hơn. Những nhà bình luận nhanh chóng đưa ra những lập luận quen thuộc: rằng "thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế", và rằng "nhìn vào biến động cổ phiếu thì phải có tới 9 cuộc suy thoái kinh tế trong khi thực tế chỉ có 5". Những luận điểm này hoàn toàn có cơ sở. Giá cổ phiếu biến động mạnh có thể báo hiệu sự thay đổi trong các yếu tố căn bản của nền kinh tế, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp sẽ chẳng có gì xảy ra. Đối với những ai không chơi chứng khoán hoặc những người đem đổ phần lớn tiền tiết kiệm cho nghỉ hưu vào các quỹ đầu tư chỉ số, Dow Jones mất 1.200 điểm không có nhiều ý nghĩa.
Dẫu vậy, sẽ là sai nếu nói rằng cú lao dốc vừa qua hoàn toàn không ẩn chứa rủi ro kinh tế nào. Nguyên nhân là vì dòng chảy của chu kỳ kinh doanh chịu ảnh hưởng khá lớn từ việc quản lý tâm trạng. Và quản lý tâm trạng chưa bao giờ là việc dễ dàng.
Suy thoái sẽ xảy ra khi chi tiêu tăng trưởng chậm lại. Các công ty sẽ thận trọng hơn một chút khi tuyển nhân viên, những người lao động vốn rất dễ bị tổn thương trước các biến động của nền kinh tế cũng tiết kiệm một cách thận trọng hơn. Cứ như vậy tất cả mọi người đều lo lắng và tiết kiệm nhiều hơn một chút, đầu tư và chi tiêu ít hơn một chút, dẫn đến kết quả nền kinh tế rơi vào tình trạng ảm đạm. Cuối cùng thì suy thoái nổ ra.
Các Chính phủ và chuyên gia kinh tế đã phát hiện ra điều này có thể bị ngăn chặn, bằng cách trực tiếp bù đắp chi tiêu hay thuyết phục mọi người rằng họ đã lo lắng nhầm chỗ, rằng thực chất thì mọi thứ đều ổn. Các NHTW làm điều này bằng cách thông báo những chính sách cụ thể để điều chỉnh nền kinh tế (như thay đổi lãi suất). Nói cách khác, giữ cho nền kinh tế tránh xa suy thoái là công việc điều chỉnh tâm lý, điều chỉnh kỳ vọng của mọi người để ai cũng tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục khỏe mạnh.
Nhưng điều gì sẽ khiến tâm trạng của mọi người thay đổi? Có thể là một ngân hàng đột ngột phá sản hay giá dầu đột ngột tăng. Có rất nhiều nguyên nhân, mà cổ phiếu lao dốc chắc chắn là một trong số đó. Tuy nhiên, để sự kiện TTCK lao dốc có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế thì cần đến một vài hoàn cảnh đặc biệt, như cảm nhận bi quan về nền kinh tế hay những tin tức xấu. Sự kiện tác động mạnh nhất sẽ là toàn bộ thị trường tài chính và công chúng có suy nghĩ rằng Chính phủ và NHTW hoàn toàn không chuẩn bị cho những gì sắp diễn ra. Chuyện này giống như một bài kiểm tra về niềm tin.
Tại sao NHTW lại thiếu sót, khiến lòng tin sụp đổ? Có thể NHTW phát hiện ra sự chuyển biến trong tâm lý của công chúng quá chậm chạp, đặc biệt là trong trường hợp các số liệu kinh tế đều khỏe mạnh thì khả năng này rất dễ xảy ra. Cũng có trường hợp lãnh đạo NHTW cảm thấy không cần phải để ý đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là khi NHTW có lãnh đạo mới muốn chứng tỏ tính độc lập của cơ quan mà mình đang lãnh đạo.
Tâm trạng của công chúng cũng có thể tụt xuống một chút nếu như họ cho là nền kinh tế tăng trưởng quả nhanh, tỷ lệ thất nghiệp quá thấp và lạm phát sẵn sàng tăng vọt.
Thật khó để tưởng tượng rằng TTCK lao dốc – dù là hơn 1.000 điểm đi chăng nữa – có thể khiến niềm tin vào nền kinh tế chao đảo đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách cần phải ra tay xốc lại tinh thần của công chúng, đặc biệt là trong bối cảnh các số liệu kinh tế gần đây đều khỏe mạnh. Sẽ là mạo hiểm nếu nói rằng các yếu tố cơ bản vẫn đang khỏe mạnh, tuy nhiên đó chính là khi các nhà hoạch định chính sách dễ mắc sai lầm nhất.