Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI: “Sai lầm khi nghĩ rằng có nhiều tiền là sẽ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức”
GenZ có kiến thức tốt, song cái khó ở đây là hiểu và kiểm soát được cảm xúc khi đầu tư.
Các chuyên gia tài chính tiếp tục cho những chia sẻ đáng chú ý tại chương trình thực tế The Moneyverse (Vũ trụ Đồng tiền). Đây là chương trình mong muốn phổ cập kiến thức đầu tư, tài chính, kinh tế cho các bạn trẻ, GenZ – thế hệ nhà đầu tư mới của Việt Nam.
Ghi nhận, tập 3 của The Moneyverse gồm 3 đội chơi đến từ 3 trường Đại học: Trường Đại học FPT Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chủ đề của tập phát sóng lần này mang tên “Tinh vân tiết kiệm. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành chiến thắng vòng đầu tiên.
Trong đó, “Lãi suất” chính là từ khóa được chương trình công bố ngay tại vòng thi đầu tiên. Dưới vai trò là giám khảo, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI, chia sẻ: “Lãi suất là số tiền chúng ta phải trả, giống như chúng ta đi thuê nhà thì mình phải trả tiền thuê nhà. Khi mình sử dụng vốn của người khác mình cũng phải trả tiền thuê. Và đây là ý khá hay mà trường Đại học Duy Tân nói được”.
Vòng thi thứ hai mang tên “Bigbang - Đầu tư giả lập”, chương trình cung cấp một bối cảnh giả định lý tưởng là quốc gia duy trì lãi suất cao 5,25% dù thị trường bất động sản tại đây có dấu hiệu bất ổn. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ tại hành tinh này đảo ngược liên tục 10 tháng, sở hữu GDP đạt 7,7% và Lạm phát đạt 10%/năm trong quý gần nhất tại Tinh Vân Tiết Kiệm (thành viên trong Tổ chức Thương mại Vũ trụ, mở ra cơ hội xuất khẩu). Các đội tiến hành phân bổ tài sản theo bối cảnh của chương trình như sau:
+ Trường Đại học FPT Đà Nẵng phân bổ 20% cho kim loại quý, 25% cổ phiếu cảng biển, 30% lãi suất tiết kiệm và 25% tiền mặt.
+ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định đầu tư 15% kim loại quý, 12% cổ phiếu tài chính, 20% cổ phiếu cảng biển, 35% lãi suất tiết kiệm và 13% tiền mặt.
+ Trường Đại học Duy Tân công bố mức đầu tư dành 35% cho kim loại quý, 30% cổ phiếu cảng biển, 25% dầu mỏ và 10% tiền mặt.
Với kế hoạch phân bổ này, ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh: “Trong đầu tư, một trong các sai lầm là mình nghĩ rằng khi có nhiều tiền, tức là mình có nhiều kinh nghiệm và nhiều kiến thức. Tuy nhiên thật ra không phải, mình có thể kiếm tiền được từ rất nhiều cách, nhưng kinh nghiệm đầu tư lại là một câu chuyện khác. Do đó, tôi nghĩ rằng chuyện nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, mà là cách tiếp cận có đúng hay không”.
Thực tế, theo quan sát của mình, ông Lưu Hưng cho biết các bạn trẻ đã tham gia đầu tư. Do đó, thông qua những chương trình như thế này, SSI cũng học được nhiều từ các bạn. Các thí sinh tham gia sẽ có cơ hội nhận 1 tỷ đồng. Trong đó, BIDV và SSI là 2 đối tác chiến lược đồng hành xuyên suốt chương trình.
Theo ông Lưu Hưng, hiện nay các bạn trẻ có nền tảng kiến thức tốt chứ không như ngày xưa. Lấy ví dụ thời mình, thế hệ 8-9X, thì học ngoại thương thương nhưng không được học nhiều về các bộ môn liên quan tài chính. Còn GenZ có kiến thức tốt, song cái khó ở đây là phải đem lại cho các bạn tính thực tế, được trải nghiệm để các bạn hiểu hơn về thị trường, và quan trọng là hiểu và kiểm soát được cảm xúc khi đầu tư.
Dưới góc độ nhà làm chính sách, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng nhận định khi có kiến thức về tài chính sẽ làm thay đổi hành vi, thói quen tài chính, cũng như tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ có kiến thức tài chính đúng đắn hơn.
Nói là một chuyện, song khi thực thi không hề dễ. Thực tế, kiến thức đầu tư đã được phổ cập rất lâu và rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, chưa kể rất nhiều nhà đầu tư cá nhân còn thiếu kiến thức tài chính khi tham gia thị trường chứng khoán. Đại diện SSI thừa nhận đó là thách thức với những người làm trong ngành, vì mọi thứ “simple but not easy”, lý thuyết thì đơn giản nhưng thực hiện để triển khai lại rất khó. Do đó, với thế hệ nhà đầu tư mới phải được phổ cập kiến thức từ sớm, khi tạo ra được một cộng đồng nhà đầu tư đủ kiến thức thì thị trường tự động sẽ trưởng thành theo.
Trở lại với Tập 3 chương trình, vòng thi cuối là “Black Hole - Hố Đen Vũ Trụ”, đại diện của mỗi đội tham gia cần giải mật mã, trả lời cho câu hỏi mà chương trình đưa ra, chiến thắng là đội Trường Đại học Duy Tân.
Nhịp sống thị trường