MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam chỉ ra 3 lí do khiến nỗ lực thu thuế của Việt Nam tăng nhưng số thu vẫn giảm

TS. Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trường của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: tình hình tài khóa tại Việt Nam đang được củng cố.

Trước hết, chuyên gia này khuyến nghị, để triển khai chính sách tài khóa theo hướng bền vững, tiết kiệm và công bằng, cần phải trả lời được 3 câu hỏi quan trọng. Thứ nhất là làm thế nào để chi công hiệu quả nhất. Thứ hai làm thế nào để tạo khoảng đệm tài khóa đồng thời đảm bảo tính bền vững tài khóa. Và thứ ba là đảm bảo chính sách tài khóa vì người nghèo như thế nào.

Ông nhận xét, tình hình tài khóa của Việt Nam đang được củng cố. Trong đó, thâm hụt ngân sách của Việt Nam đang giảm đều qua các năm. Tuy nhiên mức nợ công của Việt Nam đang tăng cao. Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ công ở mức 63,7% GDP, rất gần so với mức trần là 65%. Tuy nhiên bằng nhiều nỗ lực ổn định nợ công, đến cuối năm 2018, nợ công đã giảm xuống mức 61,5% GDP. 

Chuyên gia cho biết, mức nợ công tăng sẽ làm tăng thêm rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và củng cố tài khóa như thắt chặt chi tiêu đã bắt đầu phát huy tác dụng làm ổn định tình hình nợ công.

Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam chỉ ra 3 lí do khiến nỗ lực thu thuế của Việt Nam tăng nhưng số thu vẫn giảm - Ảnh 1.

Nỗ lực thu thuế của Việt nam trong năm qua đã có phần cải thiện, nhưng số thu vẫn tiếp tục giảm trong vài năm gần đây. Thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% trong giai đoạn 2006-2009 và có xu hướng giảm đi vào giai đoạn 2015-2018 (trung bình chỉ còn khoảng hơn 23% GDP).

Chuyên gia này cũng chỉ ra 3 yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu thuế của Việt Nam. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là giá dầu giảm dẫn tới việc giảm doanh số bán dầu. Yếu tố tiếp theo là việc tự do hóa thương mại đã làm giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu. Cuối cùng là những thay đổi chính sách thuế khác để đẩy mạnh đầu tư và tăng trưởng, ví dụ như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư FDI. Tuy nhiên, ông cũng lạc quan về tiềm năng cải thiện thu ngân sách của Việt Nam, chính phủ vẫn còn khả năng để nâng cao hiệu quả hệ thống.

Chi ngân sách của Việt Nam đạt kết quả tốt, nhưng vẫn chưa triệt để tiết kiệm tại nhiều ngành như: giáo dục, y tế, giao thông đường bộ và nông nghiệp. 

Chính sách tài khóa đang hướng tới người nghèo, nhất là về phía chi, đã góp phần tích cực vào hạn chế bất bình đẳng và đóng góp vào giảm nghèo. Chi thường xuyên có lợi cho người nghèo. Chi đầu tư về cơ bản đã củng cố sự cân bằng giữa hiệu quả và tiết kiệm.

Thêm vào đó, việc củng cố tài khóa cũng sẽ gây áp lực lên các khoản đầu tư của chính phủ. Hiện tại, các khoản chi tiêu chính phủ chiếm tỷ lệ lớn so với GDP. Cụ thể, tỉ trọng chi thường xuyên đang tăng, chi an ninh xã hội tăng, cùng với các khoản khác như chi lương, trợ cấp và trả lãi vay. Chi đầu tư cơ bản đã giảm tỉ trọng trong tổng chi ngân sách nhưng vẫn cao hơn so với bình quân thế giới và khu vực. 

Tổng chi lương của chính phủ đang cao hơn so với trung bình khu vực và bằng các nước thu nhập trung bình. Tỷ lệ chi lương so với GDP (6,5% trong giai đoạn 2009-2012) của Việt Nam gấp 2 lần Indonesia và Hàn Quốc, gấp 3 lần Singapore.

Ông Sebastian Eckardt cũng cảnh báo: nếu tiếp tục cắt giảm đầu tư mà không cải cách thì tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên