Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với 2 thách thức, rủi ro lớn nào?
Báo cáo do nhóm chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với 2 rủi ro chính sách lớn: chi đầu tư giảm trong khi chi thường xuyên tăng mạnh và chính sách nới lỏng tiền tệ.
- 13-09-2017TS Nguyễn Đức Thành: Năng suất lao động thấp, lương tối thiểu vẫn tăng nhanh đe dọa phá vỡ cân bằng của nền kinh tế Việt Nam
- 07-09-2017HSBC lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức 6,8%
- 01-09-2017[Infographic] Kinh tế Việt Nam 8 tháng 2017: Nhiều điểm sáng
Tại báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 vừa công bố sáng 26/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm bất chấp một số yếu tố bất lợi.
Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là sản xuất theo định hướng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước vẫn mạnh mẽ.
Tuy nhiên, do hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút (giảm tới 8% trong nửa đầu năm nay), ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017.
Tại báo cáo, ADB cũng chỉ ra hai vấn đề cần giải quyết để Việt Nam có được sự tăng trưởng bền vững. Đây cũng chính là hai vấn đề thách thức, có thể gây rủi ro đối với tăng trưởng.
Thứ nhất là, Việt Nam cần giải quyết vấn đề về mất cân đối ngân sách bằng cách giảm chi đầu tư thường xuyên. Theo ADB, tuy đã có tiến bộ trong giảm chi tiêu của Chính phủ nhưng kết quả này có được do giảm chi đầu tư còn chi thường xuyên vẫn tăng.
Cụ thể, các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản đã giảm từ 30% trong năm 2011 xuống 16% trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, do tăng chi lương cơ bản cùng với y tế, giáo dục.
Việc thay đổi cơ cấu chi ngân sách này sẽ có khả năng giảm tính bền vững của tăng trưởng dài hạn và hạn chế việc thực hiện các mục tiêu phát triển, báo cáo ADB nhận định.
Thứ hai là, để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện giải pháp giảm lãi suất, đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay là 21%. ADB cho rằng, giải pháp này cho dù hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ gây nhiều áp lực về lạm phát gia tăng và rủi ro cho khu vực tài chính.
Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam, thành viên nghiên cứu báo cáo nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam đã có sự đàn hồi tốt, vững vàng trước các cú sốc và vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song cần giải quyết 2 vấn đề nói trên để đạt tăng trưởng bền vững hơn.
Vị này nhấn mạnh, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng vốn đã khá cao bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.
Vì vậy, để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12 – 18 tháng tới.
Ngoài ra, theo chuyên gia Aaron Batten, mặc dù tiến triển hiện tại của việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là đáng khen ngợi song điều này cũng làm giảm chi tiêu cho đầu tư cơ bản và nếu không được cân đối thì có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.
Để những cải cách tài khóa của Việt Nam không ảnh hưởng tới tăng trưởng, các cơ quan chức năng có thể cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính, vốn đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, chuyên gia ADB khuyến nghị.
Trong phần hỏi đáp diễn ra ngay sau khi công bố báo cáo, phóng viên đặt câu hỏi: Chính phủ muốn tăng trưởng tín dụng ở mức 21%, đại diện ADB đánh giá mục tiêu này có đạt được không? Với tăng trưởng tín dụng như vậy, việc xử lý nợ xấu có khả quan không? Và có dự báo nào về kết quả kinh doanh của các ngân hàng?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Aaron Batten cho biết, qua quan sát tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua, có thể nói mục tiêu 21% là đạt được, đặc biệt sau khi chính sách nới lỏng được đưa ra hồi tháng 7.
"Nhưng điều quan trọng hơn là hãy tập trung vào chất lượng cho vay, bởi chính sách nới lỏng có thể tạo ra rủi ro, lãi suất quá thấp sẽ tạo ra bong bóng tài sản. Tiền có thể đổ vào các bong bóng tài sản này và gây rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ nên thận trọng giữa kết quả tăng trưởng trong ngắn hạn và những ảnh hưởng trong dài hạn", chuyên gia Aaron Batten nói.
Cũng tại buổi họp báo, Aaron Batten cho biết, dựa trên những gì ADB được biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang gặp cản trở trong tiếp cận tín dụng.
"Tiền vẫn dành cho các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân là yêu cầu tài sản thế chấp quá cao. Ngoài ra, các bên đi vay buộc phải áp dụng hệ thống kế toán với tiêu chuẩn cao khiến các doanh nghiệp nhỏ rất khó đáp ứng được", ông Aaron Batten nhận định.
BizLive