Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong tháng đầu tiên của năm
Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong tháng đầu tiên của năm. Ảnh minh họa.
Tình hình kinh tế Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2023 có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt xuất siêu tháng 1 lên tới 3,6 tỷ USD.
- 06-02-2023Bổ sung 31.392 tỷ đồng cho Bộ Giao thông vận tải bố trí kế hoạch vốn 5 dự án
- 06-02-2023Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương giảm bớt trung gian phân phối xăng dầu
- 06-02-2023Tăng hệ số trượt giá BHXH, người lao động hưởng lợi?
Các trang báo quốc tế mới đây đã có nhiều bài phân tích về vấn đề trên. Đây được nhận định là một tín hiệu tốt dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những tăng trưởng khả quan trong năm nay.
Trang tin điện tử China.org có bài "Doanh số bán lẻ, doanh thu dịch vụ tại Việt Nam tháng 1 tăng 20%". Theo đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 544,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Việt Nam rơi vào tháng đầu tiên của năm, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, góp phần vào sự tăng trưởng trong tháng.
Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia đang đối mặt với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế khiến tiêu dùng toàn cầu giảm, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bà Yun Liu - Chuyên gia Kinh tế về thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC đánh giá: "Chúng tôi ghi nhận những chỉ số tăng trưởng về giao dịch thương mại của Việt Nam giai đoạn gần đây, tuy nhiên bức tranh chung vẫn là nhu cầu hàng hóa của thế giới vẫn còn yếu. Xuất khẩu tăng hơn 20% là một con số vượt ngoài mong đợi. Tuy nhiên theo tôi, nửa sau của năm 2023, những thách thức thương mại toàn cầu sẽ là rủi ro chính của toàn ngành kinh tế".
"Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tập trung hơn nữa vào việc tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, quá trình chế biến, sản xuất và dán nhãn thương hiệu", ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhận định.
Đã có những tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế toàn cầu như việc Trung Quốc mở cửa lại thị trường, kinh tế Mỹ, EU cũng có dấu hiệu phục hồi và tỉ lệ lạm phát ở châu Âu hạ nhiệt nhanh hơn dự báo.
Tuy nhiên, những biến động của kinh tế thế giới trong năm 2023 vẫn là bài toán với nhiều biến động khó lường. Việt Nam cần tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, để nhận diện những khó khăn, thách thức, từ đó tìm ra giải pháp và các đối sách kịp thời, phù hợp, tận dụng thời cơ để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng của mình.
VTV News