Kỳ thi khốc liệt nhất của Hàn Quốc: Sĩ tử chỉ ngủ 4 tiếng/ngày, uống thuốc trầm cảm để giảm áp lực ôn thi
Có gì ở Suneung - một trong những kỳ thi Đại học khốc liệt bậc nhất thế giới?
- 30-01-2024Phim tài liệu "bóc trần" sự thật khắc nghiệt về kỳ thi ĐH ở Hàn Quốc: Có những đứa trẻ bình thường, nỗ lực mấy cũng không được đền đáp
- 29-01-2024Chùm ảnh kỳ thi ĐH đặc biệt tại Nhật Bản: Thí sinh phải đợi 2 tuần mới được tham gia vì động đất
- 18-11-2023Vì sao kỳ thi đại học ở Hàn Quốc luôn diễn ra vào ngày thứ Năm?
- 14-11-2023Hàn Quốc điều chỉnh hơn 90 chuyến bay, tránh gây ồn trong kỳ thi đại học
Kỳ thi thay đổi cuộc đời học sinh
Bên cạnh Gaokao của Trung Quốc thì kỳ thi Suneung (hay CSAT trong tiếng Anh) cũng được biết đến là một trong những kỳ thi Đại học khốc liệt và khó bậc nhất thế giới. Kỳ thi này kéo dài 9 giờ, thường được tổ chức vào tháng 11 hàng năm.
Nếu đã quen với các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, bạn có thể thấy nhiều người trẻ đặt việc học giỏi quan trọng hơn tất thảy. Vì vậy, những năm tháng đầu đời của nhiều người trẻ bị lấp đầy bởi sách vở, thi cử mà quan trọng nhất là kỳ thi vào đại học.
Tại sao kỳ thi Đại học Suneung lại quan trọng đến vậy?
Bởi ở xứ sở kim chi, giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu và được số đông coi là cách duy nhất để thoát nghèo. Thậm chí, Hàn Quốc còn có một câu tục ngữ đề cập đến điều này đó là: "Một con rồng bay lên từ một dòng suối nhỏ" - câu nói ám chỉ một người trẻ có xuất phát khó khăn nhưng có thể thay đổi cuộc đời, "hóa rồng hóa phượng" nhờ nền tảng giáo dục.
Mặc dù ngày càng có nhiều người Hàn Quốc tin rằng câu tục ngữ này không còn phù hợp nữa. Bởi ngày này, các gia đình giàu có sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho giáo dục để con cái vào được những ngôi trường hàng đầu đất nước. Tuy nhiên dù thế nào thì kỳ thi Suneung vẫn được coi là một kỳ thi công bằng và được tổ chức nghiêm ngặt.
Được biết, trong kỳ thi Suneung chỉ diễn ra một ngày, các sĩ tử sẽ làm bài thi môn Tiếng Hàn, Tiếng Anh, Toán, Lịch sử, các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và có thể tự chọn môn Ngoại ngữ 2 (tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập hoặc Tiếng Việt). Trong 9 giờ đồng hồ diễn ra kỳ thi, sĩ tử được nghỉ giữa giờ 3 lần, mỗi lần 20 phút. Các môn thi được kết thúc trước 6 giờ chiều.
Đề thi được in trong khoảng một tuần và được bảo vệ cẩn mật, sau đó được vận chuyển trên toàn quốc bằng các phương tiện được bảo vệ bởi cảnh sát và hải quân (ở những nơi xa xôi như đảo Jeju). Các bài kiểm tra được phát cho mỗi điểm thi vào lúc 2 giờ sáng của ngày diễn ra kỳ thi Suneung.
Địa điểm thi không phải là ngôi trường sĩ tử theo học để ngăn chặn gian lận thi cử. Trong ngày diễn ra kỳ thi Suneung, giờ mở cửa của tất cả các văn phòng chính phủ, ngân hàng và công ty chứng khoán đều thay đổi trong ngày diễn ra kỳ thi Suneung. Cảnh sát thậm chí cung cấp xe để đưa các em học sinh tới trường thi.
Trong thời gian diễn ra thi Đại học, máy bay sẽ không được cất cảnh và và nhiều phương tiện di chuyển khác cũng phải thay đổi lộ trình, các hàng quán không mở cửa... để tránh tạo tiếng ồn ảnh hưởng đến các thí sĩ. Với tính chất quan trọng như vậy, Suneung được coi là ngày sự yên lặng bao trùm cả đất nước Hàn Quốc.
Thí sinh đi thi muộn có thể gọi tới số 112 hoặc 119 để được đưa đón nhanh chóng. Trong ngày thi đại học, có hàng ngàn xe cảnh sát và hàng trăm xe cứu hỏa túc trực khắp các điểm thi trên toàn quốc để sẵn sàng cho kỳ thi Suneung.
Trong trường hợp thí sinh bị ốm hoặc bị thương có thể liên hệ trước với văn phòng giáo dục thành phố hoặc tỉnh của mình để thực hiện bài thi trong bệnh viện có thanh tra bảo vệ. Nếu bị ốm vào ngày đi thi, sĩ tử có thể làm bài kiểm tra tại trung tâm y tế của trường.
Cũng trong ngày thi Đại học, các bậc phụ huynh thường chuẩn bi cơm trưa cho con cái. Các thí sinh đi thi sẽ tránh ăn súp rong biển vào ngày Suneung vì quan niệm rằng món ăn này quá trơn và sẽ khiến họ bị trượt.
Đánh đổi cho tấm vé vào ngôi trường danh giá
Theo SCMP, trung bình mỗi học sinh Hàn Quốc bắt đầu ôn luyện thi Đại học từ lúc 13-14 tuổi. Mục tiêu của họ là thi đỗ các trường đại học danh giá, nổi bật nhất là bộ 3 "SKY" (bao gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei). Thực tế, các tập đoàn thống trị kinh tế Hàn Quốc hầu như chỉ tuyển dụng sinh viên từ ba đại học hàng đầu này.
"Một số sinh viên cảm thấy việc tốt nghiệp từ các trường đại học khác không có ý nghĩa. Đây đã là quan niệm của cả xã hội", Ty Choi, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk nói về 3 trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc.
Để thi đậu Đại học, một học sinh sẽ kết thúc giờ học chính ở trường vào khoảng 16h, sau đó các em tiếp tục miệt mài ôn luyện ở các hagwon (trường luyện thi tư nhân) hay học với gia sư riêng. Lịch học dày đặc, kéo dài tới 16 giờ/ngày không chỉ khiến học sinh kiệt sức, mà cha mẹ các em cũng tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi năm.
Thế nhưng, quan điểm "tứ ngủ lạc" (ngủ 4 tiếng/đêm, sĩ tử sẽ có cơ hội vào đại học; nếu ngủ 5 tiếng/đêm, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở thành sinh viên) đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Cường độ học tập lớn, áp lực phải thi đỗ một trường Đại học khiến nhiều em học sinh rơi vào trầm cảm.
"Ngày nào cũng thế, cuộc sống của hầu hết học sinh trung học ở Hàn Quốc chẳng khác nào địa ngục. Ngay khi học kỳ mới bắt đầu, trường học trở thành một nơi đáng sợ. Em chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi ngày", một nam sinh cuối cấp từng tâm sự trên World of Buzz.
Theo nam sinh, ngay từ lớp 1, sự căng thẳng, cạnh tranh giữa các học sinh đã rất khốc liệt. Ai cũng đặt mục tiêu trở thành sinh viên cao đẳng, đại học. Bởi vậy cậu thấy trường học đã trở thành một đấu trường mà chỉ có người ưu tú mới vào được.
"Em thấy mông lung và lo lắng về tương lai. Liệu em có thể thi đỗ trường đại học theo nguyện vọng? 20 năm nữa sẽ ra sao? Em sẽ kiếm được công việc ổn định chứ?", nam sinh tự hỏi. Trong hành trình ôn thi Đại học, đã có nhiều thời điểm nam sinh cảm thấy chán nản và nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất.
Trong khi đó, Lee Mirae (23 tuổi) - một cô gái Hàn Quốc cũng điều trị chứng trầm cảm vì kỳ thi Đại học như bao người trẻ khác. Cô gái cảm thấy lo sợ suốt thời gian dài vì đã không vào được ngôi trường mơ ước.
"Tôi không được nhận vào trường đại học mong muốn. Tôi lo lắng đến mức sợ phải rời khỏi phòng, sợ bị so sánh với những người khác trong suốt quãng đời còn lại", Mirae tâm sự.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực học tập, kỳ thi Suneung vẫn là lựa chọn hàng đầu của học sinh và phụ huynh trong mơ ước "đổi đời" của học sinh, phụ huynh ở xứ sổ kim chi. Và sau mỗi kỳ tuyển sinh, cứ nhìn hàng dài học sinh và người nhà xếp hàng dài tại các điểm trường thi đã cho thấy độ cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi đại học tại quốc gia này.
Phụ nữ số