Kỳ vọng "siêu" cảng quốc tế Cần Giờ
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ, khát vọng vươn xa của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung
- 02-09-2024Thủ tướng: Đà Nẵng phải tiên phong, đột phá, 'đi trước mở đường' trong 3 lĩnh vực trọng điểm
- 02-09-2024Đồng Nai: Hơn 6.000 người và 2.200 thiết bị thi công sân bay Long Thành xuyên lễ
- 02-09-2024Chỉ bán 3 quả sầu riêng, một huyện của Việt Nam thu về hơn 2,5 tỷ đồng
"Siêu" cảng Cần Giờ đang đứng trước thời cơ lịch sử với "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khi Trung ương và TP HCM liên tục có những hành động cụ thể, quyết liệt để triển khai thực hiện.
Bật "đèn xanh"
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nghe báo cáo chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trước đó, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã vượt qua vòng thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Tại cuộc họp ngày 17-6, 100% thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua. Đến cuộc họp thẩm định lần 2 vào ngày 16-8, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua biên bản phiên họp Hội đồng thẩm định "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ". Sau 2 vòng thẩm định nghiêm túc, Bộ GTVT ngày 20-8 đã có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thẩm định đề án. Đây là bước tiến quan trọng tiếp theo để chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam được thông qua.
Trong báo cáo thẩm định, Bộ GTVT khẳng định Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. UBND TP HCM đã tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của các bộ, địa phương, chuyên gia, thành viên hội đồng thẩm định.
Bộ GTVT thống nhất với mục tiêu của đề án là thúc đẩy khu bến cảng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế; thu hút các hãng tàu, hãng vận tải có thương hiệu; sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế; hình thành khu phi thuế quan gắn liền với cảng trung chuyển quốc tế... gắn liền với yêu cầu bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn trật tự - an toàn xã hội...
Theo Bộ GTVT, đề án đã có tính toán sơ bộ kinh phí và nguồn lực đầu tư, đồng thời có đánh giá, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện cũng như nhận diện sơ bộ tác động môi trường.
Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được TP HCM dày công, tâm huyết nghiên cứu trong suốt thời gian qua. Từ đầu năm 2023, TP HCM đã lập đề án; tiếp nhận góp ý một cách toàn diện thông qua tổ chức hội thảo, tham vấn rộng rãi ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và các chuyên gia, nhà khoa học...
Hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) liên quan phát triển kinh tế biển Cần Giờ theo hướng xanh, trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế và dịch vụ logistics, việc xây dựng, vận hành cảng Cần Giờ trở thành "cảng xanh" đầu tiên tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế.
Định hướng có thể thực hiện là thành lập khu thương mại tự do gắn cảng biển Cần Giờ với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Song song với xây dựng cảng trung chuyển quốc tế là phát triển mạnh các loại hình dịch vụ logistics đi kèm, từ đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương, tạo hiệu ứng tác động đến các ngành nghề khác cũng như thúc đẩy tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ.
Đánh giá về đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng "mỏ vàng" này sẽ giúp TP HCM tiến ra biển lớn, giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á, tương tự Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Đồng thời mang lại nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm; thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh; thu hút được các "đại bàng" đến TP HCM đầu tư, phát triển.
Nhiều lần góp ý cho đề án, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch bày tỏ sự đồng thuận và cho rằng cần làm ngay cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nhất là trong bối cảnh TP HCM đang có cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cần tận dụng để triển khai thực hiện đề án này bởi nếu cơ hội mất đi thì không dễ tìm lại được.
Theo TS Trần Du Lịch, đây là cơ hội để cụm cảng biển số 4 - bao gồm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cần Giờ (TP HCM) - trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế. Bởi lẽ, cảng Cần Giờ không ảnh hưởng hoặc cạnh tranh với cảng Cái Mép - Thị Vải mà ngược lại, cả hai sẽ tạo thành một hệ thống cảng biển bổ sung cho nhau, tạo hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logistics cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.
Đồng quan điểm, GS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh đây là cơ hội lịch sử và phải tận dụng, nắm bắt để phát huy hết tiềm năng của các cảng biển khác.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận nếu có nhà đầu tư chiến lược và có đủ vốn triển khai dự án cảng biển này thì cũng mới đáp ứng khoảng 30% yêu cầu để thành công. Xem xét ở góc độ địa hình và vị trí địa lý của Cần Giờ, 30%-40% điều kiện để dự án thành công còn phụ thuộc vào quy hoạch hạ tầng kết nối cảng và khu vực lân cận, nhất là khi Cần Giờ chưa có nền tảng cơ sở hạ tầng như các cảng Cái Mép - Thị Vải, Vân Phong... Bởi vậy, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần có những ưu điểm nổi bật, những yếu tố đặc biệt hơn để thu hút sự quan tâm.
"Trong chiến lược trung và dài hạn, các khu công nghiệp, khu đô thị ở khu vực trung tâm TP HCM sẽ dời ra ngoại thành hoặc phát triển công nghệ cao gắn với đô thị hóa thay vì phát triển khu công nghiệp truyền thống. Lúc này, việc có một siêu cảng quốc tế như Cần Giờ để giữ vững nguồn thu, thay thế cho cảng Tân Thuận, cảng Sài Gòn là một chiến lược cần tính tới" - TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Đánh thức "của để dành"
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố không đánh đổi bằng mọi giá để làm dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mà có sự cân nhắc hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường. Việc đánh thức "của để dành" Cần Giờ sẽ được TP HCM thực hiện theo nguyên tắc khai thác tiềm năng nhưng vẫn bảo vệ tối đa "lá phổi".
Các chuyên gia lưu ý TP HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng phải đặt trong bối cảnh kết nối với cả khu vực rộng lớn này. Do đó, để đề án xây dựng "siêu" cảng Cần Giờ khả thi và lan tỏa ra các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đòi hỏi không chỉ thu hút nguồn lực về vốn mà còn cần rất nhiều yếu tố khác liên quan quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối vùng...
Người lao động