MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất 0% và việc chuyển 3 tỷ USD sang mua nhà tại Mỹ

09-08-2017 - 08:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Một số ý kiến lo ngại sẽ có nguy cơ “chảy máu ngoại tệ” nếu lãi suất tiền gửi USD vẫn ở mức 0%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
305 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Với định hướng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế nhằm hạn chế những bất ổn do thị trường ngoại hối gây ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm dần trần lãi suất huy động USD (1% với cá nhân; 3% với tổ chức) về chỉ còn 0% đối với cả tổ chức lẫn cá nhân kể từ 18/12/2015.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện nay một số ý kiến lo ngại nguy cơ "chảy máu ngoại tệ" khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất huy động USD ở mức 0%.

Đặc biệt vấn đề tăng lãi suất huy động USD lại được đặt ra khi báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã bỏ ra khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản, chủ yếu là nhà tại Mỹ.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân (ngày 31/7) khi được hỏi suy nghĩ về con số hơn 3 tỷ USD người Việt đã chi mua nhà ở Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Hiện tượng người Việt chuyển tiền ra nước ngoài, chứng tỏ môi trường kinh doanh tự do của Việt Nam tốt nhưng còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ thêm.

Thủ tướng cũng lưu ý, hiện nay lãi suất USD bằng 0%. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có chính sách thu hút tốt nguồn lực, làm sao để đảo ngược dòng tiền chảy ngược vào Việt Nam, thu hút thêm USD làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước.

Chia sẻ với PV Infonet, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong thời điểm hiện nay, nên tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi USD là 0% vì con số đó tạo ổn định trên thị trường ngoại hối. Lãi suất huy động 0% làm giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ USD.

Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, không phải vì lãi suất tiền gửi USD 0% mà họ tuồn hơn 3 tỷ USD ra nước ngoài.

“Theo tôi, câu chuyện này không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất. Có nhiều người tin tưởng tài sản của họ đưa ra nước ngoài được an toàn hơn, bảo vệ hơn đặc biệt là bất động sản ở Mỹ rất ổn định. Tài sản của họ được bảo vệ chắc chắn. Họ dễ dàng mua bán, thế chấp, chuyển nhượng. Trong khi đó bất động sản ở Việt Nam gặp nhiều giới hạn, thị trường bất động sản không ổn định. Đó có thể là lý do khiến họ đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. Hơn nữa còn là lòng tin của họ với nền kinh tế lớn như Mỹ”, ông Hiếu chỉ ra nguyên nhân.

“Nên duy trì lãi suất bằng 0% cho đến khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong thời gian tới. Lúc đó chúng ta nên xem xét việc tăng lãi suất tiền gửi USD để giữ ngoại tệ. Bởi nếu thị trường thế giới tăng đều mà chúng ta vẫn giữ 0% thì việc chảy máu ngoại tệ sẽ được giới đầu cơ đẩy mạnh”, ông kiến nghị.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cũng cho rằng, câu chuyện “chảy máu ngoại tệ” ra nước ngoài không liên quan mật thiết với chính sách áp trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% của NHNN.

Theo ông, nếu mục tiêu của người dân là tìm kiếm lợi nhuận, họ có thể gửi tiết kiệm VND ở trong nước với lãi suất 5%, thay vì gửi USD ở Mỹ với lãi suất chỉ 1%, vì rủi ro tỷ giá trong vòng 5 năm qua chỉ vào khoảng 2%/năm, còn việc gửi tiền ra nước ngoài cũng rất phức tạp, nhiều rủi ro và cũng mất chi phí không nhỏ.

“Các dòng tiền chảy ra nước ngoài mua bất động sản có thể có nhiều mục đích khác, chẳng hạn như chuẩn bị cho việc định cư ở nước ngoài, hay phục vụ việc học hành của con cái... Những người rất nhiều tiền cũng sẽ có nhu cầu đa dạng hóa tài sản ở nhiều nơi khác nhau và động cơ này không phụ thuộc vào việc lãi suất USD tăng thêm vài điểm phần trăm”, TS. Nguyễn Đức Độ cho hay.

Cũng theo TS. Độ, nếu các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang huy động USD với mức lãi suất khoảng 1-2%, thì việc nâng trần lãi suất tiền gửi USD lên mức từ 0,25 - 1% sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Còn nếu nâng mạnh lên mức 2% hoặc cao hơn, thì lãi suất cho vay VND sẽ khó giảm để hỗ trợ nền kinh tế.

Nếu NHNN có thể ngăn chặn được tình trạng đi đêm với khách hàng của các ngân hàng thương mại, thì chính sách áp trần lãi suất tiền gửi USD 0% có thể phát huy tác dụng, mặc dù sẽ cần thời gian để người dân chuyển đổi tài sản từ USD sang VND.

LS. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch công ty Luật BASICO cho rằng, thực tế hiện nay có một số ngân hàng vẫn trả lãi suất cho người gửi ngoại tệ. Nếu khảo sát đánh giá đúng tình hình như thế thì nên xem xét cho mức lãi suất hợp lý để tránh tình trạng gian lận, ngân hàng và người gửi đi mặc cả lãi suất.

“Tuy nhiên theo tôi, không hẳn tăng hay giảm lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng quá nhiều đến đô la hóa mà mấu chốt là trượt giá, nếu không có lòng tin vào đồng tiền thì họ sẽ chuyển sang bất động sản, vàng, ngoại tệ. Vì thế muốn huy động USD thì phải để họ yên tâm vào đồng tiền nội tệ”, ông Đức nói.

Còn theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thanh khoản thị trường vẫn tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng. So với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định.

Đó là nhờ cơ chế tỷ giá trung tâm, nguồn dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD. Ngoài ra, tỷ giá ổn định còn do chính sách về trần lãi suất tiền gửi USD.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong năm 2017, Fed đã tăng 2 lần lãi suất mục tiêu, lên mức hiện tại là 1%-1,25%, theo đúng kì vọng của thị trường, và được dự báo tiếp tục nâng lãi suất thêm 1 lần trong năm 2017. Trong bối cảnh đó, quy định về trần lãi suất tiền gửi USD được NHNN kết hợp đồng bộ với điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt và các giải pháp thị trường ngoại tệ đã góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Vừa qua, NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, giữ ổn định lãi suất thị trường mở và trần huy động VND, cùng với các chính sách về trần lãi suất tiền gửi USD và tỷ giá nêu trên đã tiếp tục kiên trì thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ thông qua việc đảm bảo mức độ hấp dẫn của nắm giữ VND so với nắm giữ USD.

Theo Diệu Thùy

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên