MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất càng thấp, trách nhiệm càng phải cao

05-07-2021 - 15:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất cho vay càng thấp thì trách nhiệm của ngân hàng càng cao. Bởi khi có bất cứ rủi ro, bất cập nào xảy ra, đơn vị thực thi chính sách sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên, rồi mới xét đến trách nhiệm của người thụ hưởng chính sách.

Thông tin đáng chú nhất tuần qua là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết quy định rõ về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Lãi suất càng thấp, trách nhiệm càng phải cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cụ thể, về cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Về cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Như vậy, nhiệm vụ cho vay hỗ trợ lãi suất 0% lần này Chính phủ tiếp tục giao cho NHCSXH với đối tượng được thụ hưởng chính sách rộng hơn so với Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Với kinh nghiệm đã có từ đợt triển khai gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, NHCSXH sẽ có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đủ điều kiện sớm tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Nguyên tắc hỗ trợ là phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Thực hiện nguyên tắc này, trách nhiệm trước hết ở các cơ quan, đơn vị thực thi chính sách. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ngân hàng cho biết, họ đang gặp sức ép lớn khi người dân, doanh nghiệp luôn muốn được thụ hưởng nhanh, tối đa; trong khi nguồn lực ngân hàng có hạn. Bên cạnh đó, việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức… là không đơn giản khi phải xét đến thực trạng của từng khách hàng, từng điều kiện thực tế cụ thể để áp dụng biện pháp hỗ trợ phù hợp. Lãi suất cho vay càng thấp thì trách nhiệm của ngân hàng càng cao. Bởi khi có bất cứ rủi ro, bất cập nào xảy ra, đơn vị thực thi chính sách sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên, rồi mới xét đến trách nhiệm của người thụ hưởng chính sách.

Nhân đây cũng xin thông tin đến bạn đọc: Ngoài chính sách cho vay lãi suất 0% cho các đối tượng cụ thể trên, từ khi dịch bùng phát đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Số liệu thống kê đến ngày 31/5/2021 của NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng. Ngoài ra, NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.

Đằng sau những con số này là nỗ lực của toàn ngành Ngân hàng trong tiết giảm chi phí, huy động mọi nguồn lực có thể để chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng. Tại Hội nghị công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đầu tư xây dựng năm 2021 của ngành Ngân hàng hôm 1/7/2021, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục coi trọng vấn đề quản lý chi phí, hạn chế tối đa những chi phí không tạo ra lợi ích, không trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn và khôi phục sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19…

Theo Hà An

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên