Lãi suất cho nông nghiệp công nghệ cao có thể dưới 7%/năm
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức ngày 27/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tích cực hưởng ứng và cam kết dành nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với mức lãi suất ưu đãi, có thể thấp hơn mức 7%, tùy theo khả năng tài chính của mỗi ngân hàng.
- 22-02-2017100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao: "Chìa khóa" nằm ở Chính phủ?
- 20-02-2017Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- 19-02-2017Tìm đường cho nông nghiệp công nghệ cao
Theo Nghị định 55/2015/NĐ- CP của Chính phủ về cho vay ưu đãi với nông nghiệp nông thôn, đối tượng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhất 7%/năm.
Trồng rau sạch trong nhà lưới ở thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh . Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN
“Ngành ngân hàng rất quan tâm đến các dự án nông nghiệp công nghệ cao. NHNN đã chỉ đạo các NHTM cân đối nguồn vốn với lãi suất phù hợp, cho vay ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường để doanh nghiệp nông nghiệp công nghiệp cao dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.
Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, NHNN đã làm việc với các NHTM nghiên cứu gói tín dụng trên bằng nguồn huy động của các NHTM để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
“NHNN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể xác định các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch làm căn cứ cho các NHTM triển khai thực hiện chương trình tín dụng này”, ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ.
Theo đó, các biện pháp hỗ trợ TCTD cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm: Tái cấp vốn cho TCTD; áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VND thấp hơn so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường, tương ứng với từng loại tiền gửi. Đối với TCTD có tỷ trọng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng bình quân từ 40% đến dưới 70%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường; còn tỷ trọng từ 70% trở lên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 1/20 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường.
Tổng dư nợ tín dụng với nền kinh tế năm 2016 là hơn 5,35 triệu tỷ đồng, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng đổ vào nông, lâm, thủy sản và thương mại, vận tải, viễn thông cùng mức tăng trưởng khoảng 16%. Trong đó, Ngân hàng Agribank chiếm thị phần lớn nhất về cho vay nông nghiệp
Để hưởng ứng chủ trương này, phía Ngân hàng Sacombank đã liên kết với Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, qua đó triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao. Còn Kienlongbank cũng dành 400 tỷ đồng cho tín dụng nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 7,8%/năm. Còn LienVietPostBank quyết định dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất (thấp hơn lãi suất thị trường 0,5 - 1%/năm), thời hạn vay vốn đến 10 năm tuỳ thuộc từng loại cây trồng, ân hạn đến 5 năm.
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, đây là chủ trương rất đúng của Chính phủ. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được coi là bệ đỡ phát triển đất nước, trong khi đầu tư vào khu vực này, nhất là khoa học kỹ thuật cao chưa đúng yêu cầu thực tế, giá trị gia tăng của lĩnh vực này vì thế còn thấp.
“Khả năng Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ bằng các chính sách khác như đơn giản hóa thủ tục hành chính; cầu nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng thông qua hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên cũng phải khẳng định đây là lĩnh vực khá rủi ro nên các ngân hàng cho vay sẽ phải nghiên cứu kỹ, tự cân đối, hạch toán cụ thể, lấy khoản nọ bù đắp khoản kia, thu xếp bố trí vốn.
Các chuyên gia trong ngành cho biết: Để tái cơ cấu nền nông nghiệp đầu tư vốn chỉ là một vấn đề, cùng với đó còn phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ nhiều chính sách khác như chính sách để thu hút, mời gọi các thành phần khác tham gia đầu tư nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất; liên kết doanh nghiệp theo giá trị ngành hàng; hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ để có thể vận hành được máy móc hiện đại.
Báo tin tức