Lãi suất cho vay tăng theo chỉ là sớm muộn?
Đây là quan ngại đối với doanh nghiệp vay vốn sau khi lãi suất điều hành đồng loạt tăng, nhất là ở giai đoạn nước rút sản xuất kinh doanh cuối năm…
- 23-09-2022Chuyên gia: NHNN tăng lãi suất điều hành, đến lúc phải chấp nhận bước sang giai đoạn "tiền đắt"
- 23-09-2022Tín dụng dến 16/9 tăng 10,47%, NHNN tiếp tục khẳng định sẽ duy trì mục tiêu 14% cả năm 2022
- 23-09-2022Lãi suất tăng, ngân hàng thêm “chiêu” để hút người dân gửi tiền
-
Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
-
Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023
Ngày 22/9, ngay sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đồng loạt tăng mạnh các lãi suất điều hành thêm 1%.
Dù được đánh giá là quyết định kịp thời, song việc tăng lãi suất này cũng tạo ra lo lắng lãi suất vay vốn sẽ tiếp theo đà tăng, trong khi giai đoạn này doanh nghiệp đang cao điểm cần vốn để phục hồi kinh tế.
Quyết định phù hợp
Đánh giá cao phản ứng kịp thời của NHNN, TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed nâng lãi suất mạnh tay đã được dự báo từ trước, sau báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ vượt dự báo của giới quan sát (chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021).
Các quan chức Fed cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lãi suất quỹ liên bang chạm mức 4,6% vào năm 2023.
“Trong khi đó, lạm phát và lãi suất của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp cũng làm giá trị của VND chưa tăng lên; giá của USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng mạnh, tạo ra hiệu ứng khiến VND suy yếu. Và từ nay đến cuối năm, xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng, các doanh nghiệp cần USD và các ngoại tệ khác để thanh toán.
Tất cả những yếu tố này cũng sẽ tạo ra áp lực khiến cho USD tăng giá và VND giảm. Vì thế, NHNN nâng 1% lãi suất điều hành là để tăng giá trị VND và giảm sức ép với tỷ giá USD/VND - là quyết định phù hợp”, ông Doanh lý giải.
Cùng chung quan điểm, TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính nhận định, để kiềm chế lạm phát, Fed đã tăng 3 lần lãi suất từ đầu năm đến nay. Chính sách này đã thúc đẩy giá trị của USD, và khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh, trong đó có Việt Nam.
Theo chuyên gia này, các quốc gia muốn giữ được cân bằng tỷ giá với USD thì có nhiều cách, thông thường có 2 cách cơ bản: Can thiệp bằng việc đưa việc đồng USD ra để bán và từ đó nâng giá trị đồng nội tệ lên so với USD; hoặc sử dụng biện pháp tăng lãi suất giống như Mỹ. Tại Việt Nam, NHNN quyết định nâng lãi suất điều hành cũng có nghĩa là nâng giá trị VND, từ đó giảm sức ép tăng tỷ giá USD/VND.
“Về nguyên tắc, tôi đồng tình với với quan điểm NHNN tăng lãi suất điều hành là nhằm ổn định tỷ giá, làm sao VND giữ vững giá trị và có thể nâng giá trị VND so với USD nói riêng và các đồng tiền khác nói chung là điều tốt nhất. Từ đó, ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế trôi chảy”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Quan ngại lãi suất cho vay tăng theo
Dù chưa có thông tin về việc tăng lãi suất cho vay, song TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đây chỉ là việc sớm hay muộn. Bởi, ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng lãi cho vay để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng.
“Nếu chêch lệch giữa lãi suất huy động và cho vay quá hẹp thì rất có thể các NHTM không đủ chi phí để thực hiện hoạt động và có lãi hợp lý để đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh”, ông Doanh quan ngại.
Trong khi đó, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, hiện nhiều hợp đồng vay của doanh nghiệp đã có lãi suất trên 9%/năm, có hợp đồng đang gánh lãi suất cao nhất từ 9,5 đến 9,7%/năm, trong khi trước đó thời dịch COVID-19 chỉ xoay quanh 8%/năm. Nếu mức lãi suất này tiếp tục tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Vừa vượt qua cơn bão COVID-19, các doanh nghiệp chưa kịp hồi phục thì giá xăng dầu, nguyên liệu, logistics… thi nhau tăng cao đến chóng mặt. Đang bị bủa vây bởi hàng loạt khó khăn, lãi suất huy động của các ngân hàng lại đua nhau tăng từ đầu năm đến nay… càng tạo thêm sức ép tài chính cho các doanh nghiệp. Nếu lãi suất tiếp tục tăng thời gian tới thì chi phí hoạt động sẽ càng tăng cao, chắc chắn các doanh nghiệp không dám nghĩ đến chuyện vay thêm để đầu tư”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Hy vọng giảm được áp lực lãi vay…
Để tránh gây áp lực với lãi suất cho vay, ông Mạc Quốc Anh mong muốn, thời gian tới các ngân hàng thương mại bằng việc cắt giảm chi phí trong hoạt động của mình hoặc cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới.
“Trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất. Hơn bao giờ hết, các NHTM cũng cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Tôi hy vọng, thời gian tới đây lãi suất huy động tăng không quá cao để các doanh nghiệp còn có thể chịu đựng được”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi tăng lãi suất cho vay tăng, thì các doanh nghiệp cần sử dụng vốn phải tiết kiệm hơn. Các doanh nghiệp cần tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh có hiệu quả có thể thu lợi. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa nguồn vốn như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu bổ sung.
“Chúng ta mới có Nghị định 65 cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiểu riêng lẻ. Hy vọng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để có thể huy động nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất hợp lý”, ông Thịnh gợi ý.
Trong khi đó, tại cuộc họp sáng 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
BizLive