MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất gặp khó vì nợ xấu?

14-04-2016 - 14:04 PM | Tài chính - ngân hàng

“Mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức cao, mặc dù mục tiêu giảm lãi suất đã được Chính phủ đặt ra từ đầu năm 2015? Những nút thắt cơ bản khiến lãi suất có xu hướng gia tăng thời gian qua bao gồm: tình trạng đô la hóa, nợ công và nợ xấu ở mức cao”- TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học Viện Tài chính) phân tích trong bài viết riêng cho chúng tôi.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
68 bài viết

Đi tìm nút thắt

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, bất chấp việc lạm phát được duy trì ở mức thấp (trên/dưới 1%), lãi suất huy động vốn vẫn bị neo ở mức cao, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Nếu như vào tháng 4/2015 lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm mới ở mức 5,5%, thì đến nay chi phí huy động vốn của Chính phủ đã tăng lên mức 6,5%. Một số NHTM hiện nay cũng đã tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 1 năm lên mức hơn 8%.

Rõ ràng là với mức lãi suất huy động thực (sau khi trừ đi lạm phát) đạt tới 6-7%, người gửi tiền có lãi lớn, nhưng đối với doanh nghiệp thì ngược lại, bởi lãi suất của các khoản vay tín dụng trung và dài hạn còn phải cộng thêm vài điểm phần trăm nữa. Khi mức lãi suất cho vay thực cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6,68% trong năm 2015 và được duy trì trong một thời gian dài, các hoạt động tiêu dùng và đầu tư sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Việc nền kinh tế trong quý I/2016 chỉ tăng trưởng 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức 6,12% trong quý I/2015, cho thấy, ở một mức độ nào đó, mặt bằng lãi suất hiện nay không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Vậy tại sao mặt bằng lãi suất vẫn bị neo ở mức cao, mặc dù mục tiêu giảm lãi suất đã được Chính phủ đặt ra từ đầu năm 2015? Những nút thắt cơ bản khiến lãi suất có xu hướng gia tăng thời gian qua bao gồm: tình trạng đô la hoá, nợ công và nợ xấu ở mức cao.

Kể từ đầu năm 2015, khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới, đồng thời sự phục hồi của nền kinh tế khiến nhập siêu gia tăng, kỳ vọng VND bị mất giá đã thúc đẩy người dân nắm giữ USD nhiều hơn. Xu hướng này đã đạt cao trào trong 4 tháng cuối năm 2015, sau khi NHNN phá giá tiền đồng thêm 3% so với USD vào tháng 8/2015 để phản ứng lại việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức gần 5% trước đó. Rõ ràng là khi người dân không sẵn sàng nắm giữ VND lâu dài, lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng sẽ chịu nhiều áp lực.

Về nợ công, trong thời gian gần đây quy mô huy động TPCP đã tăng mạnh để phục vụ cho mục tiêu đảo nợ, khi mà nhiều khoản vay trong nước kỳ hạn ngắn trong giai đoạn lạm phát cao 2010-2011 đến thời hạn phải thanh toán. Mặc dù vậy, nợ công có lẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới lãi suất cho vay, vì Chính phủ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp để vay vốn từ các NHTM - nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường trái phiếu. Hơn nữa, áp lực lên lãi suất do nợ công gây ra có thể không quá lớn như nhiều người nghĩ, bởi phần vốn Chính phủ vay để đảo nợ sẽ được trả lại cho các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Nhiều khả năng nợ xấu mới là nguyên nhân chính khiến lãi suất bị đội thêm hơn 2% so với mặt bằng lạm phát kể từ năm 2012 đến nay. Khi nợ xấu gia tăng, các NHTM không chỉ không thu hồi được nguồn vốn đã cho vay, mà còn phải tăng huy động để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ... Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều và mức độ giảm, nếu có, sẽ không thể lớn như mong đợi.

Khó nhưng vẫn có thể giảm

Bởi vậy, trong năm 2016, triển vọng lạc quan là lãi suất sẽ chỉ giảm nhẹ khoảng 0,5%. Có một số lý do cho kỳ vọng này. Thứ nhất, các sức ép từ tình trạng đô la hoá đang có xu hướng giảm do chính sách điều hành tỷ giá mới của NHNN có tác dụng tạo thêm rủi ro, đồng thời giảm lợi ích của việc nắm giữ USD. Nhiều người gửi tiền tiết kiệm đã và đang bán USD để nắm giữ VND. Hơn nữa, các áp lực lên tỷ giá từ việc đồng USD tăng giá và đồng nhân dân tệ giảm giá nhiều khả năng cũng sẽ không lớn như trong năm 2015, khi triển vọng Cục dự trữ LB Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất không nhiều trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ vẫn còn thấp hơn đáng kể so mục tiêu 2%.

Đồng thời quy mô rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, có thể đã qua giai đoạn đỉnh điểm, bởi thị trường thường phản ứng trước các chính sách một bước. Đó là chưa kể khi tốc độ phục hồi của nền kinh tế chững lại trong quý I/2016, Việt Nam đã quay trở lại xuất siêu và điều này có tác dụng làm giảm kỳ vọng VND bị mất giá trong thời gian tới.

Thứ hai, việc tốc độ phục hồi của nền kinh tế có xu hướng chững lại thời gian qua, đồng thời NHNN lại đang có chủ trương hạn chế dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản do lo ngại nợ xấu gia tăng, sẽ có tác động kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong tương lai và giảm sức ép lên lãi suất.

Thứ ba, mặc dù lạm phát trong quý I/2016 có xu hướng gia tăng, nhưng chủ yếu là do tác động từ việc Nhà nước điều chỉnh giá các dịch vụ y tế. Đây là yếu tố tác động mang tính nhất thời và nếu loại trừ đi yếu tố này, lạm phát trong 3 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức rất thấp. Nếu trong năm 2017 không có những yếu tố đột biến như cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế vừa qua, lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại mức dưới 1% như trong năm 2015.

Về tổng thể, có thể nhận định rằng, mặc dù việc giảm lãi suất đang gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải không thể thực hiện được. Trong thời gian tới, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, sức ép giảm lãi suất đối với NHNN sẽ ngày càng lớn và không loại trừ NHNN sẽ buộc phải nới lỏng tiền tệ, đồng thời áp dụng một số biện pháp hành chính để giảm các tác động phụ của chính sách này.

Theo TS Nguyễn Đức Độ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên