Lãi suất gửi tiết kiệm giảm tiếp
Nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động về mức thấp kỷ lục.
- 29-06-2020Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, người dân vẫn ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng
- 25-05-2020Gửi tiết kiệm tại quầy của ngân hàng nào để có lãi suất cao nhất?
- 22-04-2020Nên gửi tiết kiệm thế nào trong mùa dịch?
Có khoản tiền nhàn rỗi 400 triệu đồng gửi tiết kiệm online vừa tới hạn, anh Chánh Trung (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) truy cập Internet Banking của Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) để tất toán, mở sổ mới. Lãi suất gửi online kỳ hạn 6 tháng tại NH này đã giảm từ 7,2%/năm còn 6,35%/năm, giảm gần 1 điểm % so với trước. "Nếu gửi tại quầy, lãi suất gửi 6 tháng chỉ còn 6,2%/năm. Một sổ tiết kiệm khác của tôi gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 4%/năm thay vì mức 4,2%/năm trước đó" - anh Trung cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động đến ngày 14-7, làn sóng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra ở nhiều NH thương mại. Biểu lãi suất mới liên tục được áp dụng với xu hướng điều chỉnh ở nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất gửi thấp nhất trên thị trường được ghi nhận tại NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Trong biểu lãi suất mới nhất của NH này, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng còn 3,15%-3,65% (khách hàng thường, tùy độ tuổi và số tiền). Nếu nhận lãi trước, khách hàng được trả lãi suất 3%/năm.
NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn dài: kỳ hạn 36 tháng còn 5,8%/năm, giảm 0,2 điểm %. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất cùng kỳ hạn ở nhóm 4 NH thương mại nhà nước.
Trước đó, Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng giảm chỉ còn 3,7%/năm. Một số NH khác như Nam A Bank, VPBank, TPBank, HDBank… cũng giảm lãi suất đầu vào.
Làn sóng giảm lãi suất huy động có thể sẽ còn tiếp tục. Ảnh: TẤN THẠNH
Đại diện Eximbank cho biết động thái NH điều chỉnh lãi suất huy động mới đây là theo định hướng của NH Nhà nước với mức giảm từ 0,2-1 điểm % đối với khách hàng cá nhân và giảm 0,2-1,2 điểm % đối với khách hàng doanh nghiệp. Hạ lãi suất đầu vào cũng nhằm ủng hộ nỗ lực của NH Nhà nước trong điều tiết nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới bởi khi lãi suất huy động giảm sẽ có thêm dư địa để hạ lãi suất cho vay, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy huy động vốn đến ngày 19-6 tăng 4,35% so với cuối năm 2019, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng tại cùng thời điểm. Thanh khoản của các NH thương mại hiện ở mức dư thừa. Lãi suất trên thị trường liên NH cũng về mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. Theo thống kê của NH Nhà nước, lãi suất liên NH (cập nhật đến ngày 10-7) kỳ hạn qua đêm và 1 tuần chỉ ở mức 0,15%/năm và 0,19%/năm.
Số lượng các NH thương mại công bố giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục mở rộng trong tuần vừa qua. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn 0,75-1 điểm % ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2 điểm % ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm ngoái.
Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm
Lãnh đạo nhiều NH thương mại nhìn nhận làn sóng giảm lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục trong bối cảnh thanh khoản còn dồi dào.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả khách hàng cá nhân chưa tìm được kênh đầu tư, cũng như chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh... Do đó, dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào hệ thống NH. Mặt bằng lãi suất đầu vào đi xuống sẽ tạo điều kiện giảm thêm lãi vay trong thời gian tới.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước, nhận định lãi suất huy động giảm thể hiện nguồn vốn dồi dào, thanh khoản tốt. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức tín dụng có điều kiện hạ lãi suất cho vay.
Người lao động