MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động liệu tăng đến bao giờ?

13-12-2018 - 11:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong vòng một tháng trở lại đây, lãi suất huy động đã manh nha tăng lên một mặt bằng mới với sự tham gia khá sôi nổi của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu xu hướng tăng lãi suất huy động trong hơn một tháng qua có diễn ra trên diện rộng và sẽ kéo dài tới bao giờ?

Điển hình như VPBank đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới vào cuối tháng 11 vừa qua với việc điều chỉnh tăng 0,5% cho các kỳ hạn 6-12 tháng, lên tới 7,7-7,8%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất được cộng thêm từ 0,6-0,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank hiện lên tới 8%/năm, tăng 0,7 điểm phần trăm so với trước đó, áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 10 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng.

Một số ngân hàng thương mại khác cũng tham gia cuộc đua như OCB cũng điều chỉnh lãi suất huy động ở khá nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động cao nhất được OCB áp dụng là 8,2%/năm dành cho kỳ hạn 6 tháng đối với khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm. Tại Techcombank, từ ngày 22-11-2018, lãi suất tăng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm so với tháng 10 ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất ở ngân hàng này hiện là 7%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên....

Tuy đua nhau tăng lãi suất nhưng mức độ điều chỉnh khá khác nhau dẫn tới chênh lệch lãi suất huy động trên thị trường giữa các ngân hàng khá lớn. Cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất chênh nhau có lúc lên đến 1-1,5%/năm. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu xu hướng tăng lãi suất huy động trong hơn một tháng qua có diễn ra trên diện rộng và sẽ kéo dài tới bao giờ?

Theo phân tích của TS Trương Huy Mai – chuyên gia phân tích tài chính độc lập RMIT, lãi suất huy động tăng vào thời điểm hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế thường lớn trong những tháng cuối năm, kéo theo việc các ngân hàng phải tăng cường nguồn vốn huy động để cho vay. Tuy vậy, khác với mọi năm, nguyên nhân này trong năm nay không thật sự quá lớn do chủ trương không nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong khi đó nhiều ngân hàng đã dùng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong chín tháng đầu năm.

Thứ hai, kể từ ngày 1-1-2019, các ngân hàng buộc phải tuân thủ một số tỷ lệ trong hoạt động cho vay. Để đáp ứng những chỉ tiêu mới này, các ngân hàng buộc phải tăng hoặc cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng vốn huy động trung và dài hạn. Điều này thể hiện khá rõ khi khá nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Chình vì lãi suất huy động tăng chủ yếu do những áp lực ngắn hạn nên nhiều khả năng khi các chỉ tiêu đã được đáp ứng theo chuẩn mới, lãi suất huy động sẽ sớm có sự ổn định trở lại, TS Mai nhận định.

Nói về câu chuyện chạy đua tăng lãi suất huy động của các NHTM trong thời gian gần đây, một lãnh đạo của NHNN cho rằng tăng lãi suất tiền gửi chỉ là giải pháp thu hút nguồn tiền từ thị trường, chứ không phải là vì các NHTM thiếu hụt thanh khoản. Quan trọng nhất với thị trường là lãi suất cho vay vẫn ổn định. NHNN vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại gần đây. Và diễn biến này đang nằm trong tầm kiểm soát, nếu các ngân hàng tăng cả lãi suất cho vay bất hợp lý sẽ bị tuýt còi.

Theo Bảo Chương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên