Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 12/2023: Lãi suất giảm mạnh, tiền gửi tiết kiệm vẫn thu hút khách hàng
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thường tại quầy của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 12/2023 tiếp tục giảm thêm từ 0,1 – 1,35%/tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng, so với cùng kỳ tháng 11/2023. Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn ở mức 5,7%/năm.
- 01-12-2023Tạm giam nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt trên 7 tỉ đồng
- 01-12-2023Cổ đông một ngân hàng đón tin vui, dự kiến sắp được tạm ứng cổ tức tiền mặt
- 01-12-2023Còn 735.000 tỉ đồng vốn tín dụng chờ người vay
Tham khảo nhanh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy (lãi suất huy động) niêm yết trên website của các ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, HDBank, SHB, VIB, SeABank, BacABank, TPBank, NCB, KienlongBank, Saigonbank, Vietbank, CB… trong ngày đầu tiên của tháng 12/2023 cho thấy, lãi suất huy động (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6,9,12,24 tháng) tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh với mức giảm từ 0,1 – 1,35%/tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank tiếp tục là lá cờ đầu trong việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất mới nhất được niêm yết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Vietcombank đã điều chỉnh giảm từ 0,3 – 0,4%/tùy kỳ hạn so với cùng kỳ tháng 11/2023. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6, 9 tháng của ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,4% xuống còn 3,7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên điều chỉnh giảm 0,3%/năm xuống đồng loạt là 4,8%/năm.
Tại Agribank, BIDV, VietinBank… biểu lãi suất vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ tháng 11/2023. Tại CB, lãi suất huy động cao nhất được niêm yết ở mức 5,4% cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, còn kỳ hạn 12 tháng là 5,3%/năm, 6 tháng là 5,0%/năm…
Ở nhóm NHTM cổ phần, xu hướng giảm lãi suất vẫn được duy trì và diễn ra trên diện rộng ở hầu khắp các ngân hàng. Trong số ngân hàng được khảo sát, Sacombank là ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất mạnh mẽ nhất so với phần còn lại. Theo đó, biểu lãi suất trong ngày đầu tiên của tháng 12/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng này đã điều chỉnh giảm từ 0,6 – 1,35%/tùy kỳ hạn được khảo sát, cụ thể: Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,6% xuống còn 4,5%/năm, 12 tháng giảm thêm 1,2% xuống còn 4,8%/năm, 24 tháng giảm thêm 1,35% xuống còn 4,95%/năm.
ACB cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 – 0,8%, cụ thể: Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3% xuống còn 4,5%/năm, 9 tháng giảm 0,35% xuốn còn 4,55%, 12 tháng giảm 0,7% xuống còn 4,6%, 24 tháng giảm 0,8% xuống còn 4,6%/năm.
MB cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 – 0,3%/tùy kỳ hạn. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng này đang ở mức 6,4%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất thị trường.
Tại SCB, biểu lãi suất huy động đối với kỳ hạn 6 tháng là 4,9%/năm, 9 tháng là 5,0%/năm, từ 12 tháng trở lên là 5,4%/năm.
Hay tại NCB, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất ở mức 6,0%/năm cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, còn kỳ hạn 12 tháng có lãi suất huy động là 5,7%/năm, 6 tháng là 5,3%/năm. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 5,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cũng đang là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.
Trong báo cáo vừa được CTCK VDSC công bố cho thấy, trong tháng 11/2023, các NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động với mức điều chỉnh dao động từ 0,1 - 0,3 điểm %. Làn sóng giảm lãi suất không chỉ diễn ra ở các ngân hàng quy mô lớn, mà các NHTM quy mô nhỏ cúng điều chỉnh giảm lãi suất huy động khá mạnh.
Theo thống kê của NHNN, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 9/2023 đạt xấp xỉ 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ và tăng 5,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế có sự bứt phá đáng kể trong tháng 9, tăng 7,7% so với cùng kỳ và tăng 4,7% so với cuối năm ngoái. Tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục cải thiện lên mức 14,4% so với cùng kỳ và 9,9% so với cùng kỳ.
“Diễn biến này cho thấy dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng kênh gửi tiền vẫn đang thu hút hơn các kênh đầu tư khác”, các chuyên gia VDSC nhận định.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và vàng còn chứa đựng nhiều rủi ro, người dân vẫn lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Do đó, việc lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm cũng không quá nhiều tác động đến xu hướng này.
Cũng theo, giới chuyên môn, lãi suất huy động giảm tiếp sẽ là tiền đề để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm và dịp Tết nguyên đán 2024. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (khoảng 14 - 15%), cũng như thấp xa so với mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ cho toàn hệ thống (14,5%).
Cũng liên quan đến tăng trưởng tín dụng, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho biết.
Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ