MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để giảm rủi ro từ cho vay ngang hàng?

26-03-2019 - 16:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, một số công ty P2P Lending tại Việt Nam đã xuất hiện hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng...

Dù có nhiều ưu điểm, cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng đang ẩn chứa nhiều rủi ro cho nền kinh tế và xã hội. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp là cần thiết để đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ.

Theo thống kê được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đưa ra cho thấy, Việt Nam hiện có 40 công ty P2P Lending đang hoạt động, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi tham gia mô hình này.

Nhiều lợi ích nhưng cũng không ít rủi ro

P2P Lending đã phát triển ở nhiều nước khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Đây là mô hình kinh doanh dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính.

Theo đó, công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người vay kết nối trực tiếp vay mượn với người cho vay. Công ty P2P được hưởng phí dịch vụ từ cả nhà đầu tư và bên vay.

Số liệu thống kê được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB đưa ra trong một báo cáo vừa công bố cho biết, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.

Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, ưu điểm chính của cho vay P2P được xét trên ba đối tượng liên quan. Đối với bên vay, mô hình này giúp họ tiếp cận được nguồn vốn trong trường hợp khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, phí và lãi suất có thể thấp hơn so với cho vay tiêu dùng thông thường...

Đối với nhà đầu tư, mô hình này cung cấp một kênh đầu tư, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, nguồn thu hấp dẫn (lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu thông thường). Còn đối với công ty P2P Lending, đây là một lĩnh vực hoạt động mới, khai thác nền tảng công nghệ đã có, đem lại nguồn thu, đa dạng hóa hoạt động.

Nói về lợi ích, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, nếu được quản lý tốt, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính-ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Mặc dù vậy, cả Ngân hàng Nhà nước và giới chuyên môn đều có chung nhận định là hình thức cho vay này đang chứa đựng nhiều rủi ro. Nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro được các bên chỉ ra là do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý, nên khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.

Ngoài ra, rủi ro đạo đức xảy ra khi bên vay không trả được nợ, và/hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản... dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư. Nghiêm trọng là nhiều khả năng xảy ra những biến tướng của hình thức cho vay này như công ty P2P lừa đảo, áp dụng lãi suất và phí cao bất chấp khả năng trả nợ của bên vay, hoặc bên vay trốn tránh trả nợ...

P2P Lending sẽ được quản lý chặt

Qua nghiên cứu, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB cho biết, tại các quốc gia trên thế giới, quy định quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tập trung vào 3 vấn đề chính, gồm: quy định về giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư; quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ; quy định và hoạt động giám sát công bố thông tin.

Bên cạnh đó, các quốc gia đều xem hoạt động này là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, theo cách nhìn khác nhau nên tại mỗi nước việc quản lý hoạt động P2P được giao cho các cơ quan khác nhau như Ngân hàng Trung ương, Cơ quan quản lý tài chính, Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Dịch vụ tài chính...

Còn tại Việt Nam thì sao? Để phát huy những thế mạnh của P2P Lending và giảm rủi ro, mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước báo cáo về hoạt động P2P Lending tại Việt Nam hiện nay.

Tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để có thể tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý.

Trong giai đoạn trước mắt, nên quản lý trong phạm vi P2P Lending kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay và chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính. Đồng thời, không cho phép các công ty P2P Lending được quyền huy động vốn để cho vay.

Ngay sau cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng theo hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending) để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đồng thời phòng ngừa và giảm các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng tại Việt Nam.

Theo Ngô Minh

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên