MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: "Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp"

04-03-2022 - 19:30 PM | Doanh nghiệp

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: "Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp"

Sau 10 năm nhìn lại và khi đã trải nghiệm đủ mọi thăng trầm của thị trường, tôi nhận ra rằng thứ mà tôi kiếm được thời gian đó là nhờ may mắn chứ không phải bởi tài năng. Đơn giản tôi đã ở đúng vị trí tại đúng thời điểm.

Tôi tên là Đặng Nguyên Cường. Năm 20 tuổi tôi nghĩ rằng kiếm tiền là mục đích sống duy nhất. Năm 35 tuổi, tôi tìm được niềm vui là giúp những đứa trẻ tiến bộ.

Tôi sinh ra trong một gia đình thành phần cơ bản. Ông nội là cố bộ trưởng, bố là công an. Từ bé đã hay được làm cán bộ lớp, mãi sau này tôi mới hiểu cái thời của tôi chủ nghĩa lý lịch ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ con tiểu học. Chắc các bạn sẽ nghĩ nhà cán bộ thì giàu lắm. Hồi nhỏ tôi sống thoải mái, nhưng chỉ bởi vì bố có nghề tay trái là buôn bán ô tô.

Các bạn 8x chắc còn nhớ những năm 90 cuộc sống khó khăn thế nào. Gần nhà tôi có bà Thạch, em gái cố tổng bí thư Trường Chinh, bà hơn 70 tuổi mà vẫn còn phải nuôi heo trong một căn hộ tập thể chỉ hơn 20 mét vuông. Bố tôi là cảnh sát hình sự nhưng ông cũng đã buôn bán ô tô từ đầu những năm 90. Mỗi chiếc xe lãi 10 – 20 triệu, đủ sống dư dả thời kỳ đó. Tuy nhiên việc buôn bán chỉ tốt đẹp đến năm 1997, khi xe cũ về nhiều và ông hết lộc làm ăn. Sau này tôi mới thấm thía một điều: Kiếm tiền là một dạng năng lực, còn giữ tiền là một dạng năng lực kiểu khác.

Bố tôi không quan tâm lắm đến chuyện học hành của con cái, ông thích đi chơi hơn. Là công an, ông dành phần lớn thời gian ở ngoài xã hội, đôi lúc ông còn xin cho tôi nghỉ học để cắp tôi đi chơi cùng. "Con không cần phải học, cứ đi chơi thật nhiều cho bố", ông thường khoe với bạn bè là dạy con như thế. Họ hàng thường tấm tắc khen ngợi: "Thằng Cường khác hẳn bố nó ngày xưa". Tuy nhiên có một thứ tính cách mà tôi lại giống ông: Sống không bon chen, ngại ganh đua và suy nghĩ an toàn. Chính cách nghĩ an toàn đôi khi khiến cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác.

Bạn đã Làm giàu tuổi 20 như thế nào, kể coi!

Bước 1: Chia sẻ câu chuyện về chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?" dưới hình thức bài viết hoặc video.

Bước 2: Đăng tải bài thi lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi về cho BTC qua email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vn và CafeF .

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 2.

Nhà tôi có truyền thống trong ngành y và tôi được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ nối nghiệp. Tuy nhiên tôi không tự tin lắm, giữa hai lựa chọn Y đa khoa và kinh tế quốc dân, thi khối A vẫn dễ đỗ hơn. Vậy là tôi quyết định:

- Cô ơi, em sẽ tập trung thi khối A, em xin phép cô nghỉ ạ - tôi nói với cô giáo dạy thêm môn Sinh như vậy.

- Em chắc chứ?

Vậy là tôi đỗ khoa Tài chính trường kinh tế như dự kiến, nhưng trường Y thì thiếu nửa điểm. Sau này tôi vẫn nghĩ nếu ngày đó đỗ trường Y thì bây giờ mình thế nào? Nhưng cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 3.

Dù sao học tài chính cũng tốt. Tôi cho rằng tài chính giống như môn Toán, là thứ mà dân kinh tế đều phải học qua. Tôi tốt nghiệp năm 2008, có được công việc đầu tiên tại phòng nguồn vốn của một ngân hàng nhờ xin xỏ, vì đơn giản chú tôi là chủ tịch. Nhưng chỉ sau 2 tháng, vì một biến cố sếp muốn đưa cả đội sang ngân hàng khác.

"Em cám ơn chị, nhưng em không muốn làm ngân hàng nữa" – tôi nói với sếp.

"Cháu cám ơn chú, lần này cháu sẽ tự xin việc" – tôi nói với chú, khi chú hỏi có muốn thu xếp vào một ngân hàng khác hay không.

Bằng một cơ duyên, tôi vào CTCK V., nơi mà tôi mở tài khoản chứng khoán đầu tiên. Tôi đã chơi chứng khoán từ năm hai đại học và kéo theo cả lớp cùng mở tài khoản. Những khoản lãi nhỏ giai đoạn đó, đủ khiến tôi bị mê hoặc bởi ngành này. Tôi đã ở CTCK V. 4 năm để chứng kiến Chủ tịch đưa công ty từ thua lỗ năm 2008 trở thành công ty nghìn tỷ khi tôi ra đi và bây giờ là mức định giá tỷ đô.

Thời đó CTCK V. đang tái cấu trúc và tôi được tuyển vào vị trí chuyên gia thị trường. Cơ bản thì tôi được thuê để xem bảng giá, săn tin trên thị trường, tư vấn khách hàng VIP và viết báo cáo. Cùng làm với tôi là anh Quang, thường gọi là AQUA. AQUA là kiểu nhân viên mọi HR đều từ chối, thường xuyên đi muộn, thỉnh thoảng lại biến mất không lý do. "Có mỗi CTCK V. chịu được nó" – thỉnh thoảng sếp tôi vẫn nhắc câu đó khi cả nhóm tụ họp.

Warren Buffet có câu: Phố Wall là nơi duy nhất mà những người đi xe Rolls-Royce xin lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm, tôi thì nghĩ câu này đúng với mọi thị trường. Vậy là hồi đó chị Hằng, anh Dũng đã nghe lời khuyên từ một đứa mới tốt nghiệp đại học. Nhưng dù sao tôi cũng tự tin, ít nhất tôi cũng đã có 3 năm kinh nghiệm chơi chứng khoán, lại học hành bài bản.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 4.

Quay lại chủ đề chính: Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào. Thực ra tôi cũng chẳng nhớ mình có bao nhiêu tiền, bởi vì ở cái thời đó tài sản có thể là 10.000 cổ phiếu đang gửi ở chỗ anh A, vài trăm triệu đang vay của chị B hay thậm chí là mấy lô MB còn đang gạch trong sổ. Cũng có lúc tôi cầm 3% một công ty niêm yết hay người ta vẫn đồn tôi lái một cổ phiếu xây lắp. Nhưng sau 10 năm nhìn lại và khi đã trải nghiệm đủ mọi thăng trầm của thị trường, tôi nhận ra rằng thứ mà tôi kiếm được thời gian đó là nhờ may mắn chứ không phải bởi tài năng.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 5.

Đơn giản tôi đã ở đúng vị trí tại đúng thời điểm. Giai đoạn cuối 2008 là giai đoạn cùng cực của chứng khoán với di chứng của khủng hoảng tài chính. Rất nhiều tiếng nói từ chuyên gia cho rằng thị trường tiêu cực, duy chỉ có nữ Chủ tịch phát ngôn một câu cho đến giờ là huyền thoại: "Đây là lúc bán nhà đi mua cổ phiếu". Chúng tôi cũng nhanh chóng bị cuốn hút theo sự quyết liệt của sếp và CTCK V. gần như là công ty duy nhất bắt được trọn vẹn con sóng đó. Chúng tôi đã kiếm tiền từ mọi cách, ví dụ như này:

Một lần AQUA đến công ty tầm 10:00 rồi chỉ im lặng bật máy tính lên. 10 phút sau cả công ty nhận được email với nội dung được viết hoa, in đậm:"PIT – MUA NGAY LẬP TỨC". Cổ phiếu trần 5 phút sau đó, rồi tiếp tục trần khoảng 5 phiên tiếp theo. Một lần khác, tôi có việc ra ngoài nhưng cảm thấy sốt ruột gọi về cho AQUA.

- Hình như mọi người đang rủ nhau mua VF1 phải không anh?

- Uh, nhưng cổ phiếu trần rồi, không mua được đâu, em mua VF4 đi.

Vậy là tôi kiếm được một khoản lãi còn nhiều hơn những người mua VF1. Ở một thị trường đang có sóng dài hạn như giai đoạn đó, làm việc ở công ty chứng khoán rõ ràng là một lợi thế không nhỏ. Chúng tôi có tin nhanh hơn, biết được nhiều thứ thú vị và phân phát lại cho thị trường. Hồi đó chúng tôi gọi F0, F1 khác với bây giờ. F0 chính là những người có tin đầu tiên, chủ doanh nghiệp, đội lái… còn Fn mới là khách hàng, hay môi giới cấp thấp nhất. Vì ngồi gần các "mặt trời", thường chúng tôi có thể mua trước khách hàng từ 1-2 phiên. Cái hệ thống đa cấp này vẫn vận hành tốt khi thị trường tăng giá, cơ bản ai mua trước hay sau thì cũng đều có lãi cả. Nó chỉ bộc lộ ra sai lầm khi cổ phiếu bị bán mạnh.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 6.

Tôi đã trở thành một chuyên gia thị trường quen mặt thời điểm đó. CTCK V. có một sản phẩm bản tin video, khá được quan tâm vì trực diện và cũng chưa có công ty nào bắt chước. Do đó dần dần các đài truyền hình cũng tìm tới, tôi nhớ lịch của mình cố định với thứ 3 lên VTC, thứ 4 là Invest TV còn thứ 6 là Info TV, chưa kể các buổi chuyên đề, phỏng vấn chuyên sâu…

"Thị trường vẫn đang cho thấy đà hưng phấn với lực mua mạnh vào các cổ phiếu chủ chốt, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi giải ngân vì rủi ro bắt đầu xuất hiện…"

Chúng tôi vẫn thường phân tích nước đôi như thế, theo kiểu vô thưởng vô phạt. Hiếm lắm mới bộc lộ quan điểm rõ ràng, hoặc chỉ nói trong nội bộ. Tuy vậy cũng có một lần Chủ tịch gọi cho tôi vào lúc 9:00 tối.

- Chị thấy thị trường rủi ro lắm, trong khi các em viết báo cáo quá tích cực.

- Nhưng chị ơi, các bên đều nói thị trường tốt mà.

- Không được, chị thấy rủi ro lắm, các em cần phải thay đổi quan điểm.

Cuộc nói chuyện tầm 15 phút, sau đó sếp tôi tiếp máy. Hôm sau chúng tôi viết thận trọng hơn và chỉ 1 tuần sau thị trường đạt đỉnh ngắn hạn. Đấy lại là một lần khác madam thể hiện tầm nhìn tuyệt vời khiến tất cả ngỡ ngàng.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 7.

Kiếm được nhiều tiền là cảm giác thoả mãn, nhưng không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Khi có tiền bạn có thể mua những thứ bạn thích, thể hiện mình là người giàu có và chi tiêu cho những thứ phù phiếm. Nhưng kiếm được tiền từ thị trường chứng khoán là một sự đánh đổi, là những ngày triền miên căng thẳng thần kinh, là cảm giác sung sướng tột cùng hay bế tắc tột độ bị ảnh hưởng bởi 2 màu xanh đỏ. Đến năm 2010 khi đang ở đỉnh cao, tôi nhận ra cả cuộc sống của mình chỉ xoay quanh bảng giá, sống theo giờ giao dịch triền miên từ ngày này sang ngày khác. Tôi nghĩ rằng mình cần thay đổi.

Làm cùng công ty và dưới tôi 1 tuổi, là Việt. Hai đứa có nhiều điểm chung, gần nhà nhau, học cùng trường, cùng làm phân tích, nên nhanh chóng thân thiết. Việt là kiểu trader ăn vào máu. Cậu ta có đầy đủ tính cách của một trader điển hình: quyết đoán, xanh chín và cô độc. Để so sánh, nếu như tôi có 10 đồng và chỉ còn 5 đồng, tôi sẽ bảo vệ 5 đồng đó. Còn Việt sẵn sàng mất 10 đồng để đi vay 20 đồng làm lại từ đầu. Việt có thể say mê kể về vẻ đẹp của một cổ phiếu hàng giờ đồng hồ, đôi khi tôi lại chọc: cổ phiếu tốt mà không tăng giá thì vứt. Có lần cậu ấy cáu và đùng đùng bỏ đi: Cường chẳng biết cái gì.

Tôi nghĩ năm 2010 là bước ngoặt của 2 đứa, năm đó thị trường bắt đầu giảm mạnh và cả 2 cùng chuyển từ phân tích sang làm trader. Việt như cá gặp nước và tiếp tục phát triển, còn tôi đơn giản là bị thị trường bỏ lại với những khoản thua lỗ. Đấy cũng là lúc tôi nhận ra, mình không còn phù hợp với cái nghề này. Tài chính gắn với tiền bạc, tiền là "bạc". Tôi không thể chịu được sự cô độc và từ bé tôi là kiểu người lựa chọn an toàn. Tôi muốn một cuộc sống cân bằng và nhìn cuộc đời theo nhiều lăng kính, hơn là quy chiếu nó về lợi ích. Năm 2012, tôi có một quyết định bước ngoặt, làm lại từ đầu.

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 8.
[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 9.

Cuộc đời ai cũng có nhiều ngã rẽ, đôi khi chúng ta may mắn lựa chọn đúng, đôi khi rẽ sai và chấp nhận điều đó. Tôi đi du học Úc với không nhiều tiền trong tay, được mọi người hỗ trợ và giúp đỡ, làm quen cả với những công việc chân tay. Tôi bỏ qua một thói quen mở bảng giá vào lúc 9:00 sáng, để làm quen với một thứ thú vị khác, tập quan sát cuộc sống. Tôi dành nhiều thời gian ở Úc để trải nghiệm hơn là học, nếm trải cuộc sống nhiều nhất có thể và khoe nó với mọi người.

Là một người có gốc là dân phân tích, tôi thích viết và chia sẻ. Thay vì viết cho các báo tài chính như trước đây, tôi bắt đầu viết về kinh doanh, chiến lược marketing, nhận định về thương hiệu. Rồi sau này khi tham gia điều hành doanh nghiệp, tôi khám phá thêm một sở thích nữa là thích nhìn người khác tiến bộ. Tôi làm nhà hàng nên nhân viên đa phần là các bạn 18- 20 tuổi, ở tỉnh và lần đầu lên thành phố. Có những tiểu thư, công chúa chưa một lần cầm chổi và phải dạy lại từ cách lau bàn.

"Theo em, quét nhà từ trong ra ngoài, hay từ ngoài vào trong?"

"Em xịt nước lên khăn rồi lau bàn, hay xịt lên bàn rồi lau bằng khăn?"

Dạy tỉ mỉ từ những điều nhỏ nhặt bởi vì: "những việc nhỏ còn làm không tốt, sau này sao mong làm được việc lớn". Làm việc với các bạn trẻ ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào đời, tôi mong các bạn tránh được những sai lầm mình đã mắc phải và học được những thứ cần thiết.

Hiện giờ tôi đang làm quản lý chương trình cho một trường trung học ngoài công lập. Tôi cũng tham gia sáng lập một cộng đồng giáo dục với tiêu chí đóng góp khả năng để giáo dục Việt Nam tốt đẹp hơn. Mọi người thường nhìn giáo dục với con mắt tiêu cực. Nhưng với tư cách là những người trẻ làm giáo dục, thay vì trách móc, chúng tôi cố gắng làm những thứ thiết thực, trong khả năng của mình để hỗ trợ các em học sinh. Tôi đang làm những điều giống bố tôi mang lại cho tôi ngày xưa: Cơ hội được trải nghiệm cuộc sống. Và tất nhiên, không có gì vui hơn khi nhìn đám trẻ lớn lên và tiến bộ hơn mỗi ngày.

Thông tin về tác giả:

Đặng Nguyên Cường – 35 tuổi

Phó giám đốc công ty cổ phần nhà hàng An Biên

Phó giám đốc trung tâm ngoại ngữ - tin học Siêu Năng Động

Trưởng phòng R&D THCS và THPT Đức Trí

Sáng lập cộng đồng lãnh đạo trẻ giáo dục MEL.

"Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?", bạn đã trả lời được câu hỏi này chưa - hay vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm "kịch bản" riêng cho mình? Đó cũng chính là chủ đề 1 của Làm giàu tuổi 20 - cuộc thi sáng tạo nội dung đầu tiên khai thác về chủ đề Tài chính Giới trẻ.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua: email lamgiautuoi20@vccorp.vn hoặc fanpage Kenh14.vnCafeF . Chủ đề "Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào" sẽ diễn ra từ 17/2/2022 đến 9/3/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:

Giải nhất: Kỷ niệm chương và 20.000.000 VND

Giải Yêu thích do độc giả chọn: Kỷ niệm chương và 2.000.000 VND

Giải yêu thích do BGK lựa chọn: Kỷ niệm chương và 3.000.000 VND

Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn

Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây .

[Làm giàu tuổi 20] Từ chuyên gia tài chính trở thành thầy giáo: Cuộc đời là một chuỗi thử sai, bạn sẽ chẳng biết sai nếu bạn không đi tiếp - Ảnh 12.
https://cafef.vn/lam-giau-tuoi-20-tu-chuyen-gia-tai-chinh-tro-thanh-thay-giao-cuoc-doi-la-mot-chuoi-thu-sai-ban-se-chang-biet-sai-neu-ban-khong-di-tiep-20220304165208302.chn

Đặng Nguyên Cường

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên