MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm một chiếc ôtô cần 40.000 linh kiện nhưng 90% phải nhập từ nước ngoài

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi ở Việt Nam hiện nay còn thấp, đạt bình quân khoảng 7-10%. Công nghiệp hỗ trợ nếu phát triển sẽ là nhân tố quan trọng thu hút đầu tư trong, ngoài nước.

Công nghiệp hỗ trợ nội địa tỷ lệ thấp

Để làm một chiếc ôtô cần từ 30.000-40.000 linh kiện. Trong khi đó, hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Báo Chính phủ dẫn thông tin trên từ ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi hiện nay còn thấp, đạt bình quân khoảng 7-10%. Thực tế, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ôtô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số doanh nghiệp nội về công nghiệp hỗ trợ chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ôtô trong nước.

Không chỉ riêng ngành ôtô, kết quả khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) trong năm 2017 cho biết, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%.

Làm một chiếc ôtô cần 40.000 linh kiện nhưng 90% phải nhập từ nước ngoài - Ảnh 1.

90% linh kiện nhập từ nước ngoài. Ảnh: VnEconomy.

Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn. Khoảng 80% doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên, đồng thời 64% doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.

Thực tế tại Bắc Ninh, ông Tạ Đăng Đoan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết, chỉ riêng các nhà máy lắp ráp điện thoại của Samsung, Nokia, máy in của Canon đòi hỏi tới hàng trăm nhà sản xuất cung cấp linh kiện. Dù vậy, Bắc Ninh mới có khoảng trên 130 doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, bảng mạch, phụ kiện, chi tiết cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm điện tử, tạo ra 11,3% giá trị sản xuất công nghiệp.

Theo ông Đoan, công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phát triển, là nhân tố quan trọng góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

10 năm chính sách

Nhìn từ phía cơ chế, chính sách, hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Thế nhưng, theo các chuyên gia, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện.

Chẳng hạn, chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các doanh nghiệp này và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa được hình thành…

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn khoảng cách từ chính sách đi đến thực tiễn.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đang ráo riết triển khai tham vọng sản xuất ôtô, để phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó, phải có doanh nghiệp dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các doanh nghiệp bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn. Bản thân doanh nghiệp này hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên