“Làm ngân hàng thì ăn đẫm thưởng Tết”: Sự thật có hào nhoáng vậy không?
Có phải cứ làm ngân hàng là sẽ được nhận mức thưởng Tết bằng cả 2-3 tháng lương?
- 12-01-2024Sếp tuyên bố không thưởng Tết, nhân viên ồ ạt nghỉ việc rồi hối hận 'phát điên'
- 10-01-2024Chủ tịch công ty lớn chi gần 40 tỷ thưởng tết cho nông dân, chứng minh về quê làm ruộng cũng có tương lai
- 08-01-2024Vé máy bay tăng cao, lại không có thưởng Tết, người “đỏ mắt” tìm thêm việc, người chọn bán vàng để có tiền về quê
- 05-01-2024Clip bóc phong bì thưởng Tết 185 triệu đồng của cặp vợ chồng trẻ gây sốt mạng
Khoảng 4 năm trở lại đây, ngân hàng luôn nằm trong top 5 ngành nghề có mức thưởng Tết cao nhất. Đọc thông tin về mức thưởng Tết của nhân viên ngân hàng, nhiều người ngoài ngành chỉ biết thầm ước ao hoặc… ghen tị trong lòng.
Nhưng sự thật về mức thưởng Tết của nhân viên ngân hàng liệu có "hường phấn" đến mức đó hay không?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 4 bạn trẻ, đều đã từng hoặc đang làm việc trong ngân hàng, để xem họ nói sao về suy nghĩ có tính đánh đồng "cứ làm ngân hàng là lương, thưởng cao lắm".
Lương, thưởng cao hay thấp đều phụ thuộc vào lợi nhuận của chi nhánh
Thu Huyền (sinh năm 1994), hiện đang là Cán bộ Tín dụng tại một ngân hàng trong nhóm Big4 cho biết: "Lương, thưởng của bọn mình được đánh giá, xếp loại theo chi nhánh. Nếu làm ở chi nhánh xếp loại A, thì dù là nhân viên hay lãnh đạo, lương, thưởng cũng đều cao và cao hơn nhân sự ở các chi nhánh có mức xếp loại thấp hơn.
Mức lương, thưởng hoặc lợi nhuận của ngân hàng mà mọi người xem trên tivi, báo đài là lợi nhuận chung của toàn hệ thống, nên không phải cứ ngân hàng nào có lợi nhuận cao nhất là tất cả nhân viên cũng được thưởng nhiều đâu".
Dù không làm việc cùng ngân hàng với Thu Huyền, nhưng Hoàng Hoàn (sinh năm 1992), hiện đang là Chuyên viên cao cấp của Trung tâm khách hàng cao cấp ở ngân hàng SeABank cũng có câu trả lời tương tự.
"Thực ra mình cũng thấy so với các ngành nghề khác, thì nhân viên ngân hàng cũng có mức thưởng Tết ấn tượng hơn thật, nhưng không phải cứ làm ngân hàng là có thưởng Tết cao. Với ngân hàng mình đang làm thì mức thưởng sẽ phụ thuộc vào xếp hạng của toàn chi nhánh và mức độ hoàn thành chỉ tiêu, cũng như thâm niên gắn bó của từng cá nhân.
Ví dụ như cùng làm trong 1 chi nhánh được xếp hạng mức A1 (mức tốt nhất ở SeABank), nhưng thưởng Tết của nhân sự hoàn thành chỉ tiêu mức độ A1 sẽ khác thưởng Tết của nhân sự hoàn thành chỉ tiêu ở mức A3" - Hoàng Hoàn chia sẻ.
Thông thường, cách tính lương và thưởng của dân ngân hàng là 80% lương cơ bản được chia trong năm, 20% còn lại được chia sau khi đã chốt sổ kết quả kinh doanh - phần này còn được gọi là quỹ lương thừa. Quỹ này không phân bổ đều cho tất cả nhân viên, mà sẽ phân chia tùy theo hiệu suất kinh doanh của từng chi nhánh và cá nhân.
Điều này cũng dễ hiểu thôi, làm việc trong lĩnh vực nào cũng thế, tập thể xuất sắc, nhân viên cũng xuất sắc thì chắc chắn không có chuyện lương, thưởng bèo bọt. Ngược lại, tập thể xuất sắc mà bản thân làm việc chẳng ra đâu vào đâu, không đạt KPI, cũng đừng mơ có thưởng cao.
Lương, thưởng cao đồng nghĩa với áp lực và tốc độ đào thải cũng cao
Trong ngành ngân hàng, 4 ngân hàng thuộc nhóm Big4 (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) thường có mức thưởng Tết cao nhất, sau đó là tới nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP).
Đã làm việc trong ngành ngân hàng được 8 năm và vừa nghỉ việc cách đây chưa lâu ở một ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng TMCP, Hoàng Châu (sinh năm 1994) cho biết: "Việc nhận 2-3 tháng lương dịp Tết là chắc chắn có, nhưng không phải ai cũng được mức thưởng như vậy, đặc biệt là với những ngân hàng đặt mục tiêu tăng tín dụng cao và tín dụng nhanh. Vì với mục tiêu như thế, KPI cho nhân viên nhân hàng cũng khá gắt.
Nếu chạy đủ hoặc vượt chỉ tiêu đặt ra trong năm thì lương, thưởng Tết mới cao, mà nhân viên ngân hàng làm được thế thực ra cũng không nhiều".
Sau đó, Hoàng Châu còn chia sẻ thêm rằng những nhân viên ngân hàng đạt được mức thưởng Tết cao ngất ngưởng như tivi, báo đài đưa tin thì "chắc cũng chỉ làm được 2-3 năm là cùng, vì bào sức và áp lực kinh khủng lắm".
"Mình thấy ngân hàng là môi trường có tốc độ đào thải nhanh lắm vì thưởng cao thì chỉ tiêu cao, ai làm tốt sẽ ở lại, còn ai không làm được, hoặc làm được nhưng không chịu được áp lực thì sẽ tự nghỉ thôi" - Hoàng Châu bâng quơ nói về cái giá của mức thưởng Tết ngành ngân hàng.
Đức Hải (sinh năm 1995), hiện đang là Chuyên viên định giá tín dụng cho một ngân hàng TMCP, cũng có chung suy nghĩ và cảm nhận với Hoàng Châu về mức độ đào thải và áp lực khi làm việc trong ngành ngân hàng.
"Dân ngân hàng, đặc biệt là mảng Tín dụng, không có mùa bận nhất vì thực ra ngày nào mình cũng tối mày tối mặt cả, sớm thì cũng 8h mới từ văn phòng về nhà; còn cuối năm dương lịch hay trước Tết Nguyên Đán thì chuyện ở lại văn phòng đến 1-2h sáng để rà soát chứng từ, xét duyệt hồ sơ là quá bình thường. Đồng nghiệp mình có người còn mang sẵn quần áo đến công ty để thay vì xác định kiểu gì cũng có đêm phải ngủ lại văn phòng" - Đức Hải chia sẻ và khẳng định với mức độ làm việc như thế mà lương thưởng không ổn thì chắc không ai chịu nổi.
Sau đó, Đức Hải còn cho biết bản thân đang cảm thấy khá bế tắc, kiệt sức sau 6 năm làm ngân hàng: "Mệt thì có mệt nhưng không dám nghỉ bạn ạ, vì nhảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác thì cũng vẫn áp lực và bận như thế thôi, không khác gì cả. Còn bảo nghỉ hẳn ngân hàng để khởi nghiệp kinh doanh gì đó thì thú thật, mình chưa đủ tự tin".
Phụ nữ số