MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát tăng, ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương mới đủ hấp dẫn để cạnh tranh

16-07-2022 - 18:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Lạm phát tăng, ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương mới đủ hấp dẫn để cạnh tranh

Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi cũng sẽ khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô trong đó dự báo áp lực tăng lãi suất sẽ tiếp tục những tháng cuối năm.

Các chuyên gia của KBSV cho rằng, trong kịch bản cơ sở lạm phát bình quân tăng 3,8% và không có thêm cú sốc về giá dầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng với mức độ hạn chế hơn, trước áp lực lạm phát và tỷ giá (giữ nguyên các loại lãi suất điều hành ở mức thấp, và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - tương đương 2021), mà không buộc phải thắt chặt theo xu hướng chung của các NHTW toàn cầu.

Nhóm phân tích đánh giá mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022 do: i) lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; ii) nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 0,5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.

Về tỷ giá, diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá và dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2% trong năm 2022, khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được kỳ vọng tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu tích cực và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam. 

Cụ thể hơn, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng cả về lượng và giá ở các mặt hàng chủ lực, do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD đánh giá Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối, nên kỳ vọng kiều hối về Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 5-7% trong năm 2022. 

Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân được dự báo chảy về ổn định, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện do Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế. 

Trong ngắn hạn, KBSV cho rằng NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các NHTW lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed).

https://cafef.vn/lam-phat-tang-ngan-hang-can-nang-lai-suat-huy-dong-de-duy-tri-lai-thuc-duong-moi-du-hap-dan-de-canh-tranh-20220716171454011.chn

Thu Thuỷ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên