MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm quá lâu cho một công ty có phải là bước đi tồi trong sự nghiệp?

13-02-2018 - 14:22 PM | Doanh nghiệp

Không quan trọng là bạn nhảy việc liên tục hay trung thành với 1 công ty mà là thái độ với công việc của công ty, những nỗ lực cống hiến với doanh nghiệp.

Một khảo sát cách đây không lâu của Anphabe trên 26.000 làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết.

Một con số khác phản ánh tác động của những nhân viên zombie này là trong khi số ngày nghỉ bệnh trung bình chỉ 4 ngày/năm thì trung bình số ngày họ đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.

Số liệu Anphabe không đưa số liệu về những nhân viên trung thành gắn bó với một công ty từ khi tốt nghiệp đại học tuy nhiên thực tế có thể thấy họ là những người khá hiếm hoi. Bởi phần lớn các doanh nghiệp không thể giữ chân được tất cả những nhân viên trẻ, tài năng. Cho dù họ đã huấn luyện họ chu đáo hay trả lương họ tốt như thế nào, những cơ hội bên ngoài sẽ quyến rũ mất một vài người. Điều này hết sức tự nhiên. Không một tổ chức nào có thể đáp ứng được tham vọng của tất cả mọi người.

Thậm chí ngay cả những người gắn bó với công ty từ khi đi làm vẫn luôn canh cánh trong mình chỉ làm ở một chỗ từ khi tốt nghiệp đại học. Trong suốt thời gian ấy, họ chứng kiến rất nhiều bạn bè mình cứ hai hay ba năm lại thay đổi chỗ làm và họ kiếm được nhiều tiền hơn và được giao những trọng trách cao hơn. Những người này tự hỏi liệu sự "ổn định" của mình có phải là một bước đi tồi trong con đường sự nghiệp hay không.

Tất nhiên có rất nhiều quyết định trong công việc khiến bạn cảm thấy phải áy náy, nhưng trung thành với công ty không phải là một quyết định như vậy. Thông thường có hai con đường phát triển sự nghiệp trong các công ty. Con đường thứ nhất là con đường xoắn ốc đưa bạn tới vị trí cấp cao sau khi nhảy từ công ty nọ sang công ty kia. Nếu bạn nhanh nhẹn, thành thạo khi làm quen và sử dụng những gì bạn học được ở công ty nọ làm đòn bẩy để có được một vị trí tốt hơn tại công ty khác, con đường này có thể phù hợp với bạn.

Con đường thứ hai là khi bạn trưởng thành từ nội bộ một công ty. Việc này chẳng bao giờ khiến bạn chung thân bên bàn giấy. Trên thực tế, tại những công ty hay tập đoàn lớn có điều kiện thăng tiến nhanh đối với những nhân viên tiềm năng, bạn có thể được thuyên chuyển giữa các bộ phận hay giữa các văn phòng khu vực. Dù bạn đang leo lên từng bậc thang khoan thai, chậm rãi hay mãnh liệt từng đợt một, ít nhất bạn đã đi đúng hướng.

Không nhiều người nhận ra ưu thế bí mật của lựa chọn làm việc trọn đời: bạn thành công bởi công sức bỏ ra cũng nhiều như thành quả bạn đạt được. Nếu bạn làm tốt, sẽ đến thời điểm mà khi đó, đơn giản bạn là lựa chọn duy nhất bên trong tổ chức, khi mà cuối cùng mọi người đều thấy rõ rằng bạn là người phù hợp cho vị trí cấp cao. Chẳng có gì sai khi được cất nhắc một phần do sự kiên nhẫn. Sau tất cả, các công ty giờ đây không còn giao chức danh đơn giản chỉ vì thâm niên làm việc.

Nếu lật lại lịch sử CEO, chủ tịch các công ty tại Việt Nam cũng như nước ngoài không hiếm người đi lên từ những vị trí thấp trong công ty và tận tụy cống hiến đến hàng chục năm trời. Một ví dụ tiêu biểu là Tổng giám đốc CTCP Sữa Vinamilk Mai Kiều Liên.

Bà gia nhập Vinamilk ngay từ khi Vinamilk được thành lập năm 1976, khi vừa tốt nghiệp Đại học tại Nga. Vị trí ban đầu của bà Liên là Kỹ sư Công nghệ phụ trách Phân xưởng Sữa đặc có đường tại Nhà máy Sữa Trường Thọ rồi sau đó chuyển sang phòng Kỹ thuật, Xí nghiệp Liên hiệp Sữa - Café và Bánh kẹo I.

Đến năm 1992, bà Liên được đề bạt vào vị trí Tổng giám đốc công ty Sữa Việt Nam. Bà cũng không ít lần được tạp chí Forbes cình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. "Nữ tướng ngành sữa" là danh hiệu phổ biến khi mọi người nhắc đến bà Mai Kiều Liên. Hay như Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ trong công ty của ông 60% nhân sự cốt cán ban đầu tiếp tục gánh vác tương lai Thế giới di động.

Tất nhiên cũng có những người gắn bó với công ty nhưng họ lại thờ ơ. Cũng theo Anphabe, trong nhóm 39,3% nhân sự thờ ơ (36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết) thì có tới 2/3 vẫn ở lại công ty. Những người này đi làm nhưng không có động lực trong công việc, không có mục tiêu phấn đấu hay có thể gọi họ là những zombie công sở.

Họ khiến doanh nghiệp thất thoát tới 11,7% hiệu suất làm việc. Tất nhiên những người như vậy thì sẽ không bao giờ thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp, thậm chí còn sẵn sàng trong danh sách thôi việc của công ty. Thế nên không quan trọng là bạn nhảy việc liên tục hay trung thành với 1 công ty mà là thái độ với công việc của công ty, những nỗ lực cống hiến với doanh nghiệp.


Theo Thảo Nguyễn

Trí thức trẻ

Trở lên trên