MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để đặt những câu hỏi đắt giá trong buổi phỏng vấn xin việc? Hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng và hỏi ngược lại họ

23-02-2020 - 23:57 PM | Sống

Phỏng vấn là cuộc song phương, là lúc người phỏng vấn tìm hiểu xem bạn có là ứng cử viên phù hợp cho công ty hay không, và bạn cũng xác định được đó có là môi trường làm việc phù hợp.

Phỏng vấn là cuộc nói chuyện hai chiều, giữa một người hỏi và người kia trả lời. Điều này nghĩa là bạn có thể và nên đặt câu hỏi về công ty đang ứng tuyển. Nếu người tuyển dụng có quyền quyết định bạn có là ứng cử viên tiềm năng, thì bạn cũng có thể tìm hiểu đó có là môi trường làm việc phù hợp cho mình.

Thay vì hỏi những câu khá "mất điểm" ngay trong buổi đầu như: "Lương bao nhiêu?", "Làm bao tiếng một ngày?", "Có hỗ trợ gì cho nhân viên?",…Hãy đặt những câu hỏi có chiều sâu hơn. Trang FairyGodBoss đã liệt kê ra 7 câu hỏi "ghi điểm" mà bạn có thể tham khảo cho buổi phỏng vấn tiếp theo. Khi đưa ra những vấn đề này, bạn sẽ có thêm thông tin, góc nhìn mới về công việc đang ứng tuyển, cũng như cho thấy bạn hoàn toàn nghiêm túc muốn có vị trí này.

Làm sao để đặt những câu hỏi đắt giá trong buổi phỏng vấn xin việc? Hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng và hỏi ngược lại họ - Ảnh 1.

Nếu người tuyển dụng có quyền quyết định bạn có là ứng cử viên tiềm năng, thì bạn cũng có thể tìm hiểu đó có là môi trường làm việc phù hợp cho mình.

Công việc thường ngày là gì?

Những lời mô tả công việc trên quảng cáo là không đủ, bạn cần biết về nhiệm vụ, trách nhiệm hàng ngày là gì, cần yêu cầu như thế nào để hoàn thành chúng. Qua câu hỏi này, bạn sẽ nhận định được liệu lời mô tả công việc có thật sự chính xác. Chẳng ai mong muốn phải làm việc cho một tập đoàn, tổ chức không biết rõ kế hoạch thường ngày là gì, như vậy chứng tỏ họ không hề có định hướng rõ ràng.

Anh chị nghĩ gì về văn hóa công sở nơi đây?

Các công ty thường quảng bá hình ảnh của mình trên các kênh thông tin. Họ sẽ tự giới thiệu về những điểm mạnh, nét đặc trưng của văn hóa công sở như: môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, dễ thăng tiến, công việc linh hoạt, hay những thành quả mà công ty đã đạt được,…Nhưng nói thì đơn giản hơn thực hiện, bạn nên hỏi chính từ những người phỏng vấn bạn – người đã có kinh nghiệm làm việc, họ sẽ đưa ra quan điểm cá nhân, chân thật nhất về môi trường nơi đó. Việc đánh giá công ty bạn ứng tuyển sẽ khách quan hơn khi nghe trực tiếp từ nhân viên, hơn là chỉ lướt những thông tin trên các trang mạng.

Anh chị yêu cầu gì ở nhân viên trong 30 ngày đầu làm việc?

Bạn sẽ muốn biết cấp trên mong đợi gì ở bạn trong thời gian đầu thử việc. Qua câu hỏi này, bạn sẽ biết mức độ thử thách để được nhận chính thức vào làm, liệu nó có thực tế hay quá mông lung, nhàm chán.

Trong năm năm tới, công ty sẽ phát triển như thế nào?

Ví dụ như công ty có đang gặp khó khăn, trục trặc, chắc chắn nhân viên cũng không trả lời bạn rằng họ đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc". Nhưng qua cách người tuyển dụng trả lời, bạn sẽ phần nào đoán được tình hình phát triển của công ty và quyết định xem mình có nên vào làm nếu nhận được lời đề nghị hay không.

Làm sao để đặt những câu hỏi đắt giá trong buổi phỏng vấn xin việc? Hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng và hỏi ngược lại họ - Ảnh 2.

Bạn sẽ muốn biết cấp trên mong đợi gì ở bạn trong thời gian đầu thử việc. Qua câu hỏi này, bạn sẽ biết mức độ thử thách để được nhận chính thức vào làm, liệu nó có thực tế hay quá mông lung, nhàm chán.

Kĩ năng mềm nào cần thiết cho vị trí này?

Hồ sơ xin việc của bạn đã liệt kê đầy đủ các bằng cấp, ngành nghề như một chiến tích, những lời mô tả công việc cũng ghi rõ bạn cần được đào tạo, tốt nghiệp như thế nào, nhưng không ai đề cập đến kỹ năng mềm, trong khi đó là một yếu tố quan trọng. Hãy tìm hiểu bạn còn thiếu kỹ năng nào là để học hỏi và rèn luyện.

Cơ hội thăng tiến ở công ty ra sao?

Liệu vị trí ứng tuyển này có là bàn đạp phát triển cho tương lai hay bạn cứ mãi ì ạch một chỗ? Hãy chọn lựa một cách khôn ngoan nhất. Nhưng dù ở công ty nào, vị trí gì thì làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết sức cũng là một điểm cộng lớn, cuối cùng may mắn sẽ mỉm cười với bạn. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết bạn có gắn bó, làm việc lâu dài với công ty hay không. Câu hỏi này sẽ đánh vào "tâm lý" ấy và thể hiện sự quyết tâm của bạn.

Điều gì ở công ty mà anh chị thích nhất?

Câu hỏi này quan trọng vì nó cho phép bạn tạo mối quan hệ thân thiết như một người bạn với người phỏng vấn, bởi vì người phỏng vấn, cũng như tất cả mọi người, thường thích nói về bản thân mình và đặc biệt là những thứ họ biết rõ. Hơn nữa, câu hỏi này cho bạn cơ hội biết được suy nghĩ của người trong cuộc về những phần tốt nhất khi làm việc tại công ty.

An Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên