Lần đầu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước láng giềng, một địa phương được "rót" gần 200 triệu USD
7 doanh nghiệp nước láng giềng đăng ký đầu tư với tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu USD là kết quả của lần đầu tiên thành phố này tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước bạn.
- 12-08-2024Chỉ chiếm 9% diện tích nhưng 1 vùng đóng góp 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước
- 12-08-2024Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế nhờ chính sách nhập cảnh thông thoáng
- 12-08-2024Việt Nam có thể thu về lợi ích kinh tế hàng tỷ USD nhờ thu phí ETC
Hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố Hải Phòng tại Trung Quốc năm 2024, tổ chức vào ngày 7/8 tại TP. Thẩm Quyến (Trung Quốc) với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng khẳng định, thành phố luôn coi trọng các doanh nghiệp của Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp đến từ thành phố Thâm Quyến; xác định Trung Quốc là thị trường ưu tiên hàng đầu, trọng điểm và chiến lược trong quá trình hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đồng thời, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 doanh nghiệp Trung Quốc với tổng số vốn đầu tư 190 triệu USD . Trong đó bao gồm: Công ty TNHH Flat Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Ways Việt Nam, Công ty CFL Holdings Limited, Công ty TNHH Chế tạo máy Yuekai, Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới HMT Hải Phòng, Công ty Finework International và Công ty TNHH Autel Việt Nam.
Ngoài việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 4 biên bản ghi nhớ hợp tác cũng được ký kết giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Phòng.
Hải Phòng hiện có 405 dự án đầu tư từ Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hong Kong) với tổng số vốn đạt 6,14 tỷ USD và hai Khu công nghiệp được đầu tư bởi nhà đầu tư Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu cho biết, đây là lần đầu tiên TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, đúng vào thời điểm hai nước tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều năm qua, TP. Hải Phòng đã kết nghĩa với các thành phố Thiên Tân, Nam Ninh, Côn Minh của Trung Quốc và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị rất tốt đẹp.
Mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc về Hải Phòng, ông Châu bày tỏ, thành phố có tiềm năng, thế mạnh vượt trội về giao thông, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, trong đó Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là khu kinh tế thành công nhất Việt Nam. Hải Phòng cũng đang thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam với quy mô 20.000 ha theo hướng xanh, sinh thái, sẽ mang lại rất nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư.
TP. Hải Phòng luôn coi trọng các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Thâm Quyến, và xác định Trung Quốc là thị trường ưu tiên hàng đầu, trọng điểm và chiến lược trong quá trình hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới.
Kinh tế Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng
Ngày 02/8, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Cụ thể, 9 năm liên tiếp Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tăng trưởng GRDP bình quân 2018 - 2023 đạt 12,6%; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2023 ước thực hiện 480.043,32 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2023 đạt 813.065 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần năm giai đoạn 2014 – 2018, tăng trưởng bình quân 11,64%/năm.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ của kinh tế thành phố có nhiều cải thiện, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao của thành phố luôn được đẩy mạnh. Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP HCM; vị trí thứ 2 trong 11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), đạt 52,32 điểm.
Tuy nhiên, so với các mục tiêu Nghị quyết 45 đề ra, phát triển kinh tế- xã hội Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế; 4/7 chỉ tiêu của Nghị quyết 45 khó hoàn thành nếu Hải Phòng không có quyết tâm cao và các giải pháp phù hợp. Định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á;... còn chưa thực sự rõ nét.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cho biết để xây dựng và phát triển Hải Phòng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, thời gian tới, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả nghị quyết.
Đồng thời, Hải Phòng cũng đã và đang đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới để trình Quốc hội xem xét tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách, thể chế mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã xác định tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Nhịp sống thị trường