"Làn sóng" trả và thu hẹp mặt bằng kinh doanh quay trở lại, ngày càng xuất hiện nhiều biển treo cho thuê tại các tuyến phố lớn
Thực tế qua khảo sát các nhà mặt phố, sàn thương mại, có đến 30% trống, treo biển cho thuê. Trong khi đó, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh vẫn không giảm, một số nơi tiếp tục tăng cao.
- 21-05-2023Chung cư Hà Nội vừa tăng 200-300 triệu/căn vùng ven, khu trung tâm tăng cả tỷ đồng/căn nay “quay đầu” giảm giá
- 21-05-2023Bất động sản khó giảm giá sâu dù thị trường chững lại, nguyên nhân do đâu?
- 21-05-2023Một số khu vực bất động sản từng diễn biến sôi động chuẩn bị đấu giá hơn 200 lô đất, giá khởi điểm chỉ từ 8 triệu đồng/m2
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng trả mặt bằng, thu hẹp diện tích thuê ở cả Hà Nội và TP.HCM. Nhiều thông tin chào thuê nhà phố tại những tuyến đường “vàng”, tuyến đường chính ở TP.HCM.
Trước đó, giai đoạn Covid-19 cũng xảy ra "làn sóng" trả mặt bằng, thu hẹp diện tích văn phòng, mặt bằng kinh doanh diễn ra trên quy mô cả nước. Nhiều văn phòng ở "đất vàng" thành phố bị thu hẹp ồ ạt khi khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn, ở xa trung tâm. Tuy nhiên giai đoạn này nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã cố bám trụ mặt bằng và các chủ cho thuê mặt bằng chia sẻ khó khăn của người thuê bằng cách giảm giá hoặc miễn phí ngắn hạn.
Từ quý 4/2021, khi nhà nước hết giãn cách Covid-19 nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh tăng cao nên các chủ cho thuê đồng loạt tăng giá cao từ 10-30%.
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết: "Từ tháng 4/2022 bất động sản, chứng khoán gặp khó khăn và ảnh hưởng của lạm phát kinh tế thế giới, tác động của chiến tranh Nga - Ukraine làm cho một loạt doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh Việt Nam gặp khó khăn: Giảm doanh thu, tăng chi phí từ giá mặt bằng thuê, lương người lao động tăng, nhiều chi phí đầu vào tăng... Những điều này khiến tình trạng thua lỗ, phá sản xảy ra; doanh nghiệp, hộ gia đình bị ít nghiêm trọng hơn là thu hẹp mặt bằng, giảm nhân sự,... để giảm chi phí".
Qua khảo sát các nhà mặt phố, sàn thương mại, ông Quê cho biết: "Tôi quan sát được có đến hơn 30% là trống, treo biển cho thuê. Với tình hình kinh tế hiện nay sẽ mất ít nhất 2-3 năm nữa số mặt bằng kinh doanh mới đạt độ phủ hơn 90% như quý I/2022.
Tuy nhiên có một điều hết sức vô lý hiện nay là giá cho thuê mặt bằng kinh doanh vẫn không giảm, một số nơi tiếp tục tăng cao".
Vị này lấy dẫn chứng hình ảnh ảm đạm của một tòa nhà mặt đường Tố Hữu. "Chỉ cách đây hơn 1 năm, nơi đây vẫn còn là nơi đáng sống vì ngoài không gian xanh tòa nhà còn có đủ tiện ích: 2 bể bơi, nhà hàng: Kichikichi, phở Ông Hùng, 2 siêu thị, nhà hàng nhật Tomita, 1 hiệu cắt tóc, 1 quán ăn chay, 2 quán cơm văn phòng, 2 cửa hàng tiện ích... Giờ chỉ còn 2 cửa hàng tiện ích, 1 quán cơm bình dân, 1 siêu thị, 1 hiệu cắt tóc, 2 quán cafe và có thể sắp tới các tiện ích cuối cùng này sẽ không còn", ông Quê cho biết.
Nguyên nhân của việc này theo ông Quê là chủ đầu tư tăng giá hơn 30% và mỗi năm sẽ tăng thêm 5%. Sàn thương mại nơi đây trước kia hạng B, hiện nay với dịch vụ ít ỏi chỉ là hạng C, thua xa một số nhà ở xã hội về tiện ích nhưng có giá cho thuê hạng A là điều hết sức không hợp lý.
Vị này cho rằng, trong lúc nền kinh tế khó khăn như hiện nay, bên cho thuê cần giảm giá thuê, thu hút lấp đầy mặt bằng. Nếu không tìm được tiếng nói chung, giá thuê vẫn neo cao thì đến quý IV/2023 mặt bằng kinh doanh có thể trống đến 50%, nhất là sàn thương mại.
Trong quý 1, nhiều báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường cũng cho biết tình trạng doanh nghiệp trả mặt bằng, thu hẹp diện tích thuê để tiết kiệm chi phí.
Trong báo cáo về thị trường văn phòng quý I/2023 của CBRE, đơn vị này ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt từ nhiều chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Đơn vị này cho hay nhiều giao dịch thuê văn phòng đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do khách thuê cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Trong lúc này, một số chủ nhà đồng thời chào thêm các mặt bằng đã giữ lại trong giai đoạn trước.
"Những yếu tố này cùng khó khăn kinh tế trước mắt đã gây áp lực lên thị trường khi lần đầu tiên sau đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều.
Điều này dẫn đến diện tích trống của hạng A tăng 3.500 m2, diện tích cho thuê mới của hạng B cũng chỉ hơn 2.200 m2 (trong đó đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động)", bà Thanh Phạm - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhìn nhận.
Tương tự, báo cáo quý I của Cushman & Wakefield cho thấy tỷ lệ lấp đầy ở văn phòng hạng A và B lần lượt giảm 1,6 và 2,1 điểm phần trăm, chủ yếu do kinh doanh khó khăn khiến khách thuê cắt giảm chi phí.
Bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield nhận xét lần đầu tiên sau đại dịch, số doanh nghiệp đóng cửa trong quý I nhiều hơn số doanh nghiệp mới và tái hoạt động. Doanh nghiệp mới và tái hoạt động thống kê được khoảng 56.946 công ty, giảm 5,4% so với cùng kỳ trong khi doanh nghiệp tạm đóng và giải thể lên đến 60.241 đơn vị, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2022. Diễn biến này đang tạo thêm áp lực lớn cho thị trường văn phòng cho thuê.
Nhịp sống thị trường