Láng giềng tăng giá đường 20%, giá đường trong nước có diễn biến ‘lạ’
Động thái của nước này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá đường nội địa và giá đường toàn cầu.
- 29-10-2023Vì sao cả nước thừa gần nửa triệu tấn đường nhưng giá vẫn tăng?
- 28-10-2023Nhà máy ngừng sản xuất vì giá đường tăng?
- 27-10-2023Cứu tinh của thế giới trước lệnh cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ: Một ông trùm nông sản ghi nhận sản lượng đường kỷ lục, là nhà xuất khẩu lớn nhất trên toàn cầu
Tờ Bangkok Post dẫn lời một quan chức cấp cao nói với Reuters hôm thứ Hai rằng Thái Lan đã tăng giá đường trong nước lên 20%, một động thái nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá đường trong nước và giá đường toàn cầu.
Đường trắng tăng từ 19 baht lên 23 baht/kg, Phó tổng thư ký Ủy ban Mía và Đường Virit Viseshsindh cho biết, trong khi đường trắng tinh luyện tăng từ 20 baht lên 24 baht/kg.
Ông cho biết sự thay đổi sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy, ngày 28 tháng 10.
Thái Lan năm nay dự kiến sẽ sản xuất 8 triệu tấn đường, trong đó 2,5 triệu tấn được tiêu thụ trong nước.
Tại Việt Nam, hồi đầu tháng này, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, giá đường tiêu dùng trong nước lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg.
Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Theo dự báo, năm nay thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực.
Còn theo khảo sát mới đây, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg, cao hơn 2 tháng trước khoảng 2.000 đồng/kg.
Trước quyết định cấm xuất khẩu đường của các cường quốc mía đường hàng đầu thế giới, nhằm bảo vệ người tiêu dùng nội địa và bình ổn giá trong nước, nguồn cung toàn cầu cũng ghi nhận suy giảm đáng kể.
Lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022 - 2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước. Thời gian gần đây, sản lượng đường ở các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đều sụt giảm. Điều này đã tác động mạnh đến giá đường thế giới.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường trong nước năm ngoái chỉ đạt 935.000 tấn. Điều này có nghĩa ngành mía đường mới chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu tiêu thụ.
Trong báo cáo phát hành giữa tháng 10, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo từ nay đến cuối năm 2023, cả nước thừa cung 478.854 tấn đường. Dự báo này dựa vào tổng cầu của năm 2023 là 2,3 triệu tấn đường, tương đương năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023, nguồn cung ở mức gần 2,779 triệu tấn đường gồm: đường tồn kho năm ngoái chuyển sang và đường sản xuất, nhập khẩu trong năm 2023.
Hiệp hội này cũng nhận định do giá đường quốc tế dự kiến vẫn ở mức cao nên giá đường trong nước sẽ tăng nhẹ nhưng thấp so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines và Trung Quốc).
Trả lời Báo Người Lao Động hôm 29/10, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - ông Nguyễn Văn Lộc - giải thích: Kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại năm 2021, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã đến mức 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn mía là mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực khiến giá đường tăng.
Trong năm 2023, giá đường thế giới đã tăng 60% so với mức giá thấp nhất được thiết lập vào vụ 2019/2020 dẫn đến giá các loại đường nguồn gốc nhập khẩu tăng và giá đường trong nước cũng tăng theo (nhưng mức tăng thấp hơn). Giá đường trong nước vẫn đang ở mức thấp so với các quốc gia lân cận.
Về việc các nhà máy chế biến thực phẩm tiếp tục kêu ca về việc đường trong nước sản xuất không đủ, hạn ngạch nhập khẩu chưa đáp ứng đủ (về sản lượng và giá cả) nên muốn xin thêm chỉ tiêu nhập khẩu theo hạn ngạch, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng bản chất là đòi hỏi nguồn đường giá rẻ nhờ không phải đóng thuế.
"Việt Nam đã thực hiện cam kết ATIGA năm 2020 và có thể nhập khẩu đường không hạn chế số lượng từ các quốc gia ASEAN. Thị trường đường Việt Nam có nhiều nguồn cung: bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu chính ngạch, đường nhập lậu và đường lỏng sirô ngô HFCS. Kể từ năm 2020 đến nay, mặc dù sản lượng đường từ mía thấp nhưng chưa năm nào Việt Nam thiếu đường và luôn ở trong tình trạng thừa cung" - ông Lộc khẳng định.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2022-2023 cả nước có 25 nhà máy đường hoạt động, sản lượng tập trung tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực Tây Nam Bộ có 3 nhà máy là Phụng Hiệp (Hậu Giang), Sóc Trăng và Trà Vinh với tổng sản lượng 31.330 tấn. Trong đó, sản lượng của nhà máy Phụng Hiệp thấp nhất cả nước, chỉ 1.070 tấn đường.
Niên vụ 2023-2024, ban đầu VSSA dự báo 25 nhà máy này tiếp tục hoạt động với tổng sản lượng 1.026.719 tấn, trong đó, nhà máy Phụng Hiệp có kế hoạch sản xuất 4.762 tấn đường, chiếm 0,46% sản lượng toàn ngành. Tuy nhiên, mới đây, đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ra nghị quyết tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024.
(Tổng hợp)
Nhịp sống thị trường