MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đúng đối tượng, thực chất, trọng tâm

28-01-2023 - 10:09 AM | Bất động sản

"Việc tổ chức lấy ý kiến cần xác định đúng đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 27/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc tổ chức lấy ý kiến cần xác định đúng đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện.

Đại diện Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết, đến nay mới có 2 Bộ và 10 tỉnh ban hành bản kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua trang web tập trung vào một số nội dung bồi thường, tái định cư, quy định chung, thu hồi đất, đăng ký đất đai, tài chính đất đai…

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đúng đối tượng, thực chất, trọng tâm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định phối hợp chặt chẽ trong quá trình lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn công tác đôn đốc bộ, ngành, cơ quan, địa phương về lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề lấy ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp…

Tại cuộc họp, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị có sự phối hợp giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo khi lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa phương cũng như tổ chức các hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về chính sách đất đai như: Tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất lấn biển, đất sử dụng đa mục đích; quản lý, sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế; rà soát tính đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật khác liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…).

Bên cạnh những nội dung trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng gợi mở thêm một số nội dung trọng tâm khác như cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển hạ tầng; chính sách tiếp cận đất đai, thu hút đầu tư ở Việt Nam…

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đúng đối tượng, thực chất, trọng tâm - Ảnh 2.

Đại diện Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) bảo cáo tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Minh Khôi

"Việc lấy ý kiến phải đúng đối tượng, thực chất. Trong quá trình tiếp thu cần chú ý những ý kiến xác đáng, cụ thể đến từng điều khoản, nội dung trong dự thảo luật, góp phần hoàn thiện chính sách; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định", Phó Thủ tướng nói.

Để bảo đảm đúng kế hoạch tiếp thu ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất, thay vì chờ tổng hợp xong ý kiến mới thực hiện tiếp thu, chỉnh lý thì có thể thực hiện đồng thời.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đúng đối tượng, thực chất, trọng tâm - Ảnh 3.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở thêm một số nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần lấy ý kiến nhân dân - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện rà soát, có phương án phù hợp để sửa đổi các luật liên quan đang có hiệu lực hoặc trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, Văn phòng Chính phủ rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cụ thể là xác định đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện.

Trong quá trình lấy ý kiến tại địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý đến sự khác nhau trong chính sách đất đai ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía bắc. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định cần trực tiếp lắng nghe ý kiến từ địa phương, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, từ đó, đưa ra chính sách có tính đặc thù, phù hợp cho từng vùng, từng địa phương.

Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, tiến hành rà soát các nội dung; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về chính sách đất đai; có kế hoạch cụ thể, đánh giá khối lượng thực hiện theo ngày, theo tuần.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa phương, nhất là những vướng mắc chưa giải quyết được; kiện toàn thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)…/.

Theo Lộc Liên

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên