Lên mạng hỏi cách “xin” lại tiền chuyển khoản nhầm, bị lừa đến hết sạch tiền trong tài khoản
Vừa không lấy lại được số tiền 3 triệu chuyển khoản nhầm, vừa bị lừa thêm 6 triệu - đây chính là tình huống éo le mà chị K.A (Thành phố Hồ Chí Minh) gặp phải.
- 27-09-2024Vì sao tiền bảo hiểm y tế của học sinh lớp 1 năm nay lên 1,1 triệu đồng?
- 26-09-2024Khởi tố, bắt tạm giam chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng
- 26-09-2024Danh sách các tài khoản ngân hàng lừa đảo chuyển tiền
Mới đây, chị K.A (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng đã sơ ý chuyển nhầm số tiền 3 triệu đồng vào một tài khoản lạ. Do không biết bên nhận là ai, chị đã chuyển thêm vài lần 2 nghìn đồng, kèm theo số điện thoại ở phần nội dung chuyển khoản để bên nhận liên lạc lại nhưng chờ mãi chưa có hồi âm.
Do chưa rõ về thủ tục tra soát của ngân hàng, chị có chụp ảnh màn hình các giao dịch đó và đăng lên nhóm “Ngân hàng V” để xin ý kiến từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, chị lại quên che các thông tin cá nhân như số điện thoại, số dư trên biên lai chuyển khoản, điều này đã tạo ra sơ hở để đối tượng lừa đảo lợi dụng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Khoảng một thời gian ngắn sau khi đăng bài, chị nhận được một cuộc điện thoại, bên kia tự xưng là người mà chị đã chuyển nhầm, muốn trả lại tiền cho chị. Nhưng thay vì xin số tài khoản, đối tượng này gửi cho chị một đường link, yêu cầu chị ấn vào đó và nhập mã OTP.
Do sốt sắng muốn lấy lại tiền, chị đã không nghi ngờ gì mà làm theo, kết quả là tài khoản của chị bị trừ sạch tiền trong vòng mấy phút sau đó.
“Thôi coi như lấy tiền mua một bài học cho bản thân.” Chị K.A nói sau khi nhận ra mình đã bị các đối tượng lừa đảo qua mắt.
Được biết, đây là thủ đoạn lừa đảo không mới. Khoảng 2 năm trước, chị H ở Quảng Nam cũng bị lừa thêm gần 1,2 tỷ đồng, sau khi đăng bài lên mạng xã hội xin lại số tiền 50 triệu đồng chuyển khoản nhầm trước đó.
Theo đó, đối tượng lừa đảo gọi điện cho chị H theo số điện thoại chị cung cấp trên bài đăng, tự xưng là nhân viên tổng đài ngân hàng, yêu cầu chị H cung cấp các thông tin số tài khoản gồm: Tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã số OTP để hỗ trợ thu hồi số tiền đã chuyển nhầm.
Chị H cung cấp đầy đủ các thông tin mà Hùng yêu cầu. Sau khi có thông tin, thanh niên này đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của chị H. rồi chuyển tổng số tiền là 1,18 tỷ đồng vào tài khoản của đồng bọn.
Sau khi phát hiện bị lừa, chị H lập tức lên cơ quan công an để trình báo. Hai đối tượng này hiện đã bị bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý bất an, nóng lòng muốn lấy lại tiền sớm của các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Giả danh người nhận được tiền hay nhân viên ngân hàng và thể hiện thiện chí muốn được giúp đỡ, chúng dễ dàng có được lòng tin của nạn nhân, lấy được những thông tin quan trọng như mật khẩu, mã OTP,...
Trước những diễn biến ngày càng khôn lường của tội phạm mạng, người dùng cần đề cao cảnh giác, thận trọng trước những cuộc gọi lạ, tuyệt đối không cung cấp tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên làm mờ, che các thông tin cá nhân trước khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, tránh để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Nhịp sống thị trường