MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên kết sản xuất, nông dân không còn nỗi lo bị ép giá

31-03-2018 - 21:35 PM | Thị trường

Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa, mất giá” là một trong những nỗi lo triền miên của những người nông dân khi lúa vàng đồng.

Mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa đang là cách làm mang lại hiệu quả đối với bà con nông dân ở tỉnh Kiên Giang. Những năm gần đây, việc liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm đang được người nông dân hưởng ứng tích cực. Những phương thức sản xuất tiên tiến áp dụng ở cánh đồng lớn không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, đảm bảo đầu ra cho nông dân mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn, đó là sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Tám, ở ấp Phước Hòa, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao bộc bạch: trước đây khi chưa tham gia mô hình liên kết, cứ đến thu hoạch là nông dân gánh thêm nhiều nỗi lo: lo máy cắt, lo không bán được lúa, lo lúa rớt giá, lo tiền trả nợ đại lý phân bón…. thì nay tất cả chỉ còn là quá khứ. Cũng theo ông Tám, qua gần 2 năm tham gia chương trình liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã giúp nông dân đỡ lo điệp khúc “ được mùa mất giá; được giá mất mùa”.

Liên kết sản xuất, nông dân không còn nỗi lo bị ép giá - Ảnh 1.

Vào mùa thu hoạch.

Nhìn cánh đồng vàng trĩu hạt, ông Tám hào hứng khoe: vào sản xuất lớn mới thấy nông dân mình lợi đủ đường, từ việc giảm hẳn chi phí sản xuất đầu vào đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra. Với gần 2 ha lúa, vụ Đông Xuân năm nay, nhờ sự hỗ trợ của các kỹ sư “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời mà năng suất đạt hơn 6,1 tấn/ha, với giá 6.100 đồng/kg, niềm vui mùa vụ của gia đình ông thật trọn vẹn.

“Trúng mùa trúng giá như thế này thì nông dân rất phấn khởi. Hồi trước chưa vô chuỗi liên kết với công ty thì buôn bán bấp bênh lắm, có khi để lúa khô nhưng cũng bị chê, ra gạo cũng chê. Làm với công ty đã được 6 vụ rồi, tôi không phải lo đầu ra” - ông Trần Văn Tám nói.

Khi đăng ký tham gia thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, người nông dân không quan tâm chuyện được hỗ trợ bao nhiêu kinh phí, mà quan trọng là được ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất trên thửa ruộng của mình.

Ông Võ Văn Tuân ở ấp Phước Hòa, xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao có 1,5 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn hai năm liền, cho biết: Trước đây, sản xuất lúa theo kinh nghiệm. Nhưng từ khi tham gia mô hình cánh đồng lớn, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của các kỹ sư, năng suất và chất lượng lúa tăng cao. Vì vậy, theo ông Tuân, người dân nơi đây gọi mô hình cánh đồng lớn là “cánh đồng vàng” vì nó làm đổi đời nhà nông.

“Năm nay nữa là 7 vụ tôi làm ăn với công ty. Nếu không có công ty, doanh nghiệp liên kết như vậy thì bên ngoài sẽ bóp mình chết. Nông dân cũng muốn cùng chung liên kết với nhau cho vũng vàng, bền chặt lâu dài” ông Tuân chia sẻ.

Liên kết sản xuất, nông dân không còn nỗi lo bị ép giá - Ảnh 2.

Người nông dân không còn lo đầu ra.


Trong 2 năm 2016- 2017, đã có 147 HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tham gia mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích trên 32.000 ha. Huyện Gò Quao là một trong những địa phương được đánh giá là thực hiện tốt mô hình liên kết này.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho biết: qua 4 vụ lúa, Gò Quao đã thực hiện được trên 17.000 ha theo mô hình cánh đồng lớn liên kết với bao tiêu sản phẩm. Hầu hết, các cánh đồng lớn đều mang lại hiệu quả cao, giúp các thành viên giảm chi phí tăng thu nhập từ 700.000 đến 2,5 triệu đồng/ha/vụ. Bước đầu xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất về chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến và xuất khẩu. Đây cũng là con đường để tái cơ cấu sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thông qua liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

“Xác định công tác bao tiêu sản phẩm là một trong những hướng đi giúp cho sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó trong thời gian tới thì ngành nông nghiệp tiếp tục kêu gọi các công ty, các doanh nghiệp tham gia bao tiêu trên địa bàn huyện. Dự kiến cho vụ hè thu cũng như vụ đông xuân tới thì chúng tôi đặt mục tiêu tham gia bao tiêu với diện tích khoảng 30-40% tổng diện tích sản xuất trên địa bàn” – ông Dương Duy Duyệt cho biết.

Xây dựng cánh đồng lớn đang ngày càng trở nên bức thiết đối với ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu hiệu quả. Mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm còn chú trọng đến việc tập huấn năng lực quản lý cho nông dân. Không chỉ nâng cao chất lượng đầu ra mà còn bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề để hạt gạo Kiên Giang vươn đến những thị trường rộng lớn trên thế giới./.

Theo Lam Hiếu

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên