[Live] ĐHCĐ MSB 2022: Mục tiêu lợi nhuận 6.800 tỷ, dự kiến chia cổ tức 30%, thoái vốn tại công ty con
Tại đại hội, cổ đông MSB sẽ xem xét thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2021. Ban lãnh đạo cũng đệ trình kế hoạch tăng vốn thêm 31% thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP.
- 29-04-2022Toàn cảnh ĐHCĐ ngân hàng 2022: Cập nhật VPBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank
- 23-04-2022ĐHCĐ OCB: Sẽ trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30% trong năm nay, đang thương thảo thu trước 1.500 tỷ đồng nợ của FLC
- 23-04-2022ĐHCĐ PVComBank: Kỳ vọng cơ hội bứt phá, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số với mục tiêu tăng lượng khách hàng gấp 5 lần
Sáng ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2021.
Năm 2022, MSB dự kiến tổng tài sản tăng 14% lên 233.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 15% đạt 123.808 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 25% đạt 130.752 tỷ đồng.
Trong năm nay, ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất với cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm 31% lên 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể,ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 458,25 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu,tương ứng với tỷ lệ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông là 30%. Mục đích tăng vốn là để củng cố vị thế cạnh tranh của MSB nhờ tăng quy mô, nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư hệ thống cho ngân hàng. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 15.275 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, MSB cũng trình cổ đông phê duyệt kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động năm 2022. Số lượng phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm 142,5 tỷ đồng.
Một tờ trình quan trọng khác là việc thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM) – có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB.
MSB cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của FCCOM là 358 tỷ đồng, doanh thu đạt 151 tỷ đồng trong năm. Lợi nhuận trước thuế là 1,97 tỷ đồng, lãi sau thuế là 0,98 tỷ đồng.
Nói về lý do đề xuất, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết các công ty tài chính tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Để có được lợi nhuận tốt và phát triển bền vững, các công ty tài chính cần có sự đầu tư lớn về quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ, con người… Trên cơ sở hoạt động của FCCOM trong những năm gần đây, để phát triển tốt, kinh doanh hiệu quả và tạo vị thế trên thị trường nhiều thách thức, MSB đề xuất với cổ đông chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Trước đó, trong tháng 3/2022, HĐQT MSB đã thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác nước ngoài. Chia sẻ với các nhà đầu tư hồi cuối năm 2021, CEO MSB Nguyễn Hoàng Linh tiết lộ, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.
Ngoài các tờ trình trên, ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền đại hội.
Cổ đông hỏi đáp
Cổ đông hỏi: Tiến độ bán công ty tài chính đến nay ra sao?
Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh: Trong năm 2021, ĐHCĐ và HĐQT đã thông qua việc thoái vốn tại FCCOM. Ở thời điểm đó, MSB đã làm việc với đối tác của Nhật giai đoạn đầu với giá trị thương vụ trên 2.000 tỷ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, các công ty tài chính bị phát sinh nhiều nợ quá hạn. Đối tác Nhật đã xem xét lại việc mua lại. Hiện tại, MSB đã tiếp xúc với 2 đối tác nước ngoài. Họ đã có thư quan tâm và giá trị thương vụ dự kiến cũng không khác nhiều so với đối tác Nhật dự kiến trả cho MSB.
Cổ đông hỏi: Vì sao có báo cáo hợp vốn giữa FCCOM với MSB
Năm 2021, FCCOM được NHNN cấp phép thêm các hoạt động khác, chiếm 30% tổng dư nợ. Do đó, FCCOM có cơ hội phát triển sản phẩm khác. Các hoạt động cho vay ngoài cho vay tiêu dùng của FCCOM đều phải được MSB giám sát do vậy có hợp tác giữa MSB và FCCOM.
Biểu quyết thông qua các tờ trình
Các tờ trình đều được đại hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Nhịp sống kinh tế