MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á

12-04-2024 - 21:05 PM | Tài chính quốc tế

Không phải Bắc Kinh hay Thượng Hải, Mumbai của Ấn Độ đã trở thành thành phố có nhiều tỷ phú nhất châu Á năm 2024.

Mumbai soán ngôi Bắc Kinh

Mới đây, Viện nghiên cứu Hurun ở Thượng Hải, Trung Quốc đã công bố danh sách người giàu toàn cầu năm 2024. Khá bất ngờ, trung tâm tài chính của Ấn Độ -Mumbai - lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thành phố tỉ phú" của châu Á, CNBC đưa tin.

Số lượng tỉ phú ở trung tâm tài chính Ấn Độ đã tăng lên 92, cao thứ ba thế giới sau New York, Mỹ (119) và London, Anh (97). Đáng chú ý, thủ đô New Delhi của Ấn Độ lần đầu tiên lọt vào top 10.

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á- Ảnh 1.

Danh sách 10 thành phố có nhiều tỷ phú nhất

Theo Viện nghiên cứu Hurun, Ấn Độ có 271 tỉ phú, cao thứ ba trên hành tinh, chỉ sau Trung Quốc (814) và Mỹ (800).

Một số tỉ phú nổi tiếng nhất có thể kể đến như: Tỉ phú Mukesh Ambani, chủ sở hữu tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ, vẫn giữ vị trí là người Ấn Độ giàu nhất với tài sản ròng trị giá 115 tỉ USD. Ông cũng là người giàu nhất châu Á. Tỉ phú Ambani gây chú ý vào đầu tháng 3 năm nay khi tổ chức bữa tiệc xa hoa trước đám cưới của con trai út Anant Ambani.

Chủ tịch Tập đoàn Adani Gautam Adani (86 tỉ USD), người có tài sản tăng 33%, là người Ấn Độ giàu thứ hai trong danh sách.

Người giàu thứ 3 Ấn Độ là ông Shiv Nadar với tổng tài sản ước tính trị giá 36,7 tỷ USD. Ông là người đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin Ấn Độ.

Nữ tỷ phú Savitri Jindal và gia đình xếp thứ 4 với khối tài sản ước tính 31,5 tỷ USD. Bà là người phụ nữ có sự ảnh hưởng lớn trong ngành thép và năng lượng.

Tỷ phú Dilip Shanghvi giàu thứ 5 Ấn Độ, nắm giữ khoảng 25,8 tỷ USD. Ông là doanh nhân quyền lực trong ngành dược phẩm.

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á- Ảnh 2.

Danh sách 10 quốc gia có nhiều tỷ phú nhất

Rupert Hoogewerf, chủ tịch kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report, cho biết: "Ấn Độ đã có một năm cực kỳ mạnh mẽ, niềm tin vào nền kinh tế đã tăng lên mức kỷ lục".

Ông Hoogewerf cũng lưu ý rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính của xu hướng này, tạo ra hơn một nửa tổng số tài sản mới trong năm nay.

Số lượng tỉ phú ở Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi nước này cải cách chính sách kinh tế vào năm 1991 để thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về giàu nghèo giữa 1% người giàu nhất và phần còn lại của đất nước đã đạt mức cao lịch sử.

Hai thế giới ở Mumbai

Mumbai là thủ phủ bang Maharashtra ở duyên hải tây nam Ấn Độ, có khí hậu nhiệt đới quanh năm ấm áp, ngày dài nhiều nắng cùng gió biển. Thành phố này là trụ sở của nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn như Bombay Stock Exchange, Reserve Bank of India, National Stock Exchange và những doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như Tata Group, Aditya Birla Group, Essel Group, Reliance Industries.

Mumbai là "thủ đô tài chính" của Ấn Độ nên thành phố này luôn là miền đất hứa của nhiều người khát khao phát triển sự nghiệp hay mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Cũng vì vậy nên cái tên “Thành phố của những giấc mơ" ra đời. 

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á- Ảnh 3.

Siêu dinh thự của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani có tên Antilia cao 178 m với 27 tầng

Mumbai có số lượng nhà chọc trời lớn nhất ở Ấn Độ, với 956 tòa nhà hiện có và 272 công trình đang được xây dựng cùng nhiều dự án khác kể từ tháng 8/2009.

Đây cũng là nơi tập trung những căn nhà đắt tiền nhất tại Ấn Độ, trong đó nổi tiếng là dinh thự 27 tầng của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani. Gia đình ông Ambani sống ở 6 tầng trên cùng. Lý do được bà Nita Ambani tiết lộ là muốn khu vực sống đón nhiều ánh nắng mặt trời nhất có thể. Với chiều cao và kiến trúc đặc biệt của mình, Antilia không chỉ là một tư dinh mà còn được xem là một trong những biểu tượng của Mumbai vì có thể dễ dàng nhìn thấy Antilia ở nhiều nơi trong thành phố.

Mumbai cũng là quê hương của Bollywood, nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất Ấn Độ, nơi sản xuất hầu hết các bộ phim nổi tiếng thế giới của đất nước này như Dangal và 3 Idiots. Đây là thành phố nơi các nghệ sĩ và nghệ sĩ biểu diễn đến để tìm kiếm công việc và sự nổi tiếng.

Hơn một thế kỷ qua, Mumbai chứng kiến sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh khi tập trung những xưởng phim, hãng thu âm, đài truyền hình, công ty quảng cáo lớn nhất Ấn Độ. Hàng nghìn bộ phim cùng chương trình giải trí tiếng Hindi được phát hành mỗi năm tạo nên sức ảnh hưởng vượt ngoài biên giới quốc gia tỷ dân, và là niềm tự hào của người Ấn. Đến nỗi, có câu nói rằng: Mọi đứa trẻ Ấn Độ đều mơ trở thành diễn viên hoặc cầu thủ bóng gậy (cricket).

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á- Ảnh 4.

Mặc dù Mumbai không có nhiều di tích như một số thành phố khác của Ấn Độ, nhưng nó có ba Di sản Thế giới được UNESCO công nhận bao gồm Động Elephanta, Ga tàu Chhatrapati Shivaji Maharaj và bộ sưu tập các Tòa nhà theo phong cách Trang trí Nghệ thuật và Thời Victoria.

Ngoài ra, thành phố này còn sở hữu công viên lớn nhất thế giới - Sanjay Gandhi với diện tích 104 km2 vuông. Công viên rừng rậm này là nơi cư trú của các loài động vật; hang động Phật giáo hơn 2000 năm tuổi; hai hồ lớn và nhiều hơn thế nữa...Đặc biệt, cây xanh ở đây phần nào giúp giảm bớt sự ô nhiễm của thành phố Mumbai, đó là lý do nó được gọi là lá phổi của thành phố.

Mumbai nổi tiếng có nhiều tỷ phú với lối sống xa hoa bậc nhất nhưng đồng thời là thành phố có nhiều khu ổ chuột hơn bất cứ nơi nào ở Ấn Độ. Sự trái ngược này diễn ra ở mọi ngóc ngách, ở mỗi dãy phố thương mại hay bên cạnh các khu mua sắm sang trọng thì đều có một khu dân cư cũ nát và nhếch nhác.

Lộ diện thành phố lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh để trở thành "thủ phủ" tỷ phú của châu Á- Ảnh 5.

Sự xa hoa và hào nhoáng tại thành phố Mumbai

Chẳng hạn, nếu những nhà hàng, cửa hiệu dành cho du khách và tầng lớp trung lưu trở lên được bao bọc bởi sự hào nhoáng và sang trọng thì chỉ cần rời khỏi cửa, hướng mắt sang góc đường là dễ dàng bắt gặp người lao động nghèo, đen nhẻm đang lặng lẽ làm công việc chân tay.

Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Kumar Bharti, Lucas Chancel, Thomas Piketty và Anmol Somanchi, khẳng định rằng chênh lệch giàu nghèo ở Ấn Độ hiện nay cao hơn so với thời kỳ thuộc địa của Anh. Theo nghiên cứu, tỉ lệ tài sản của 1% người giàu nhất Ấn Độ đứng ở mức 40,1% trong năm 2022-2023.

Song nhìn chung, nền kinh tế Ấn Độ đang tiếp tục tăng trưởng đáng kể, đạt mức tăng trưởng GDP 8,4% từ tháng 10 đến tháng 12/2023, tốc độ nhanh nhất trong 6 quý. Theo nhiều nhà phân tích, quốc gia Nam Á này đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng ba năm tới.

Theo Nguyễn Phượng

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên