Lo ngại nguồn vốn từ các ngân hàng chảy sang thị trường chứng khoán và vàng
Trong bối cảnh GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm, lạm phát đối mặt với áp lực tăng cao trở lại và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ở mức thấp thì các nhà đầu tư thường sẽ chuyển hướng sang thị trường vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Những diễn biến bất thường
Ngay sau phiên giảm điểm mạnh do tác động bởi sự kiện Brexit diễn ra ngày 24/6/2016, trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu vẫn còn đang trong quá trình lấy lại những gì đã mất thì các nhà đầu tư tại Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái tâm lý hưng phấn. Theo đó, chỉ số VN-Index tính đến ngày 12/7/2016 đã tăng 6,1% so với mức giá đóng cửa ngày 24/6/2016, tăng khoảng 13% so với cuối năm 2015 và đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Điều gì đã khiến các nhà đầu tư lạc quan đến vậy? Trong bối cảnh GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm, lạm phát đối mặt với áp lực tăng cao trở lại và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp ở mức thấp thì các nhà đầu tư thường sẽ phải chuyển hướng sang thị trường vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên cả thị trường vàng và chứng khoán Việt Nam đang bùng nổ với các phiên tăng điểm liên tiếp.
NHNN đang hút vốn khỏi hệ thống ngân hàng
Trước diễn biến kinh tế vĩ mô không có nhiều dấu hiệu tích cực, việc tăng điểm mạnh của TTCK đang khiến các cơ quan quản lý lo ngại về nguy cơ bong bóng. Thị trường đang trong trạng thái lạc quan quá mức và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, trong tuần qua, NHNN đã đẩy mạnh việc hút tiền khỏi hệ thống ngân hàng thông qua việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO).
Theo số liệu của Bloomberg, NHNN đã hút về khoảng hơn 25.000 tỉ đồng thông qua tín phiếu phát hành có kỳ hạn 14 ngày. Số tiền này đương tương với giá trị của khoảng 5-6 phiên giao dịch trên TTCK. Động thái này của NHNN được xem là hoàn toàn hợp lý bởi những diễn biến trên TTCK chưa phản ánh đúng triển vọng của nền kinh tế trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nó cũng góp phần kiểm soát khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn này được luân chuyển đến lĩnh vực sản xuất hàng hóa thay vì phi sản xuất như chứng khoán và vàng.
Thị trường sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?
Chỉ số VN-Index liệu đã hình thành một xu hướng mới hay chưa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến thị trường trong này. Việc NHNN rút tiền khỏi lưu thông sẽ là liều thuốc thử cần thiết cho nhà đầu tư. Nếu thị trường tiếp tục tăng điểm cùng với khối lượng giao dịch ở mức cao thì đó là minh chứng cho thấy xu hướng tăng trong thời gian qua là bền vững và có thể khẳng định chỉ số VN-Index đã thiết lập một bằng giá mới.
Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm hoặc đi ngang thì đó là cơ sở cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đã chủ động tạo sóng để chốt lời danh mục trong năm 2016. Việc TTCK tăng điểm liên tiếp trong 2 tuần trở lại đây là do tác động của việc cung tiền trong nền kinh tế đang ở trạng thái dư thừa và một phần đã được chuyển sang đầu cơ chứng khoán và vàng.
Khi đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải giảm bớt tỷ lệ tỷ trọng chứng khoán trong danh mục của mình, bởi lẽ sớm hay muộn các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty bảo hiểm…sẽ tìm cách chốt lời. Với mức tăng khoảng 13% của chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay thì rất nhiều quỹ đầu tư đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2016 khi mà mức lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ xoay quanh mức 5-6%/năm.