Loài cá 'xấu đến kỳ lạ' bị người Trung Quốc xa lánh, nhưng lại trở thành 'cao lương mỹ vị' trên bàn nhậu Việt Nam
Ngoài hình thức xấu xí, da cá tỳ bà sần sùi và cứng hơn nhiều so với các loại cá khác, nên ở Trung Quốc, hầu như không có ai ăn. Nhưng trái ngược với Trung Quốc, cá tỳ bà lại trở thành món đặc sản địa phương tại Việt Nam.
- 11-05-2023Mở cửa hàng bán bánh ngọt 150.000 VND/chiếc, cà phê 100.000 VND/ly, thương hiệu chocolate Việt "ngon nhất thế giới" tăng trưởng doanh thu 100%
- 10-05-2023Cua Cà Mau chết rải rác trên diện tích hơn 12.000 ha
- 09-05-2023Một nhóm khách 7 người ăn suất buffet 550k/người nhưng 'xử đẹp' 300 con cua, 50 quả sầu riêng cùng vô số tôm, cá hồi,... khiến chủ quán 'khóc thét'
Theo trang tin Sohu (Trung Quốc), mỗi quốc gia đều có văn hóa ẩm thực và thói quen sinh hoạt riêng. Ví dụ, Đức là quốc gia ăn nhiều thịt nhưng họ không thích ăn hải sản; người Ý dường như có thể ăn mì mỗi ngày; người Nga thích ăn thịt cừu và thịt bò chứ không thích thịt lợn; người Mỹ không ăn chân gà, móng lợn… Từ đó có thể thấy rằng, có những thứ người nước này không ăn, lại trở thành món ngon ở nước khác. Đó là sự khác biệt về văn hóa.
Theo Sohu, Trung Quốc có lãnh thổ rộng lớn và tài nguyên phong phú; chỉ cần không phải là thứ độc hại, thường không thể thoát khỏi bàn ăn của người Trung Quốc.
Loài cá dọn bể bị người Trung Quốc xa lánh
Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, có những món người Trung Quốc không ăn, thậm chí là xa lánh, nhưng với người Việt Nam lại cho là ngon, cũng có thể do khác biệt về văn hóa. Món ăn này là một loài cá với tên gọi cá tỳ bà. Tên của nó nghe có vẻ hay, nhưng vẻ ngoài thì vô cùng xấu xí.
Ở Trung Quốc, cá tỳ bà thường được nuôi trong bể cá, và rất dễ nuôi. Miễn là có đủ nước, nó sẽ tồn tại. Cá tỳ bà có thể ăn bất cứ thứ gì, đặc biệt là những thứ rong rêu bám trong bể cá nên còn được gọi là cá lau kiếng, cá dọn bể.
Theo Sohu, cá tỳ bà có nguồn gốc từ Nam Mỹ, và tốc độ sinh sản của nó rất đáng kinh ngạc. Sau khi được nhập khẩu vào Trung Quốc, vì loài cá này không có thiên địch trong môi trường tự nhiên của nước này, nên nó phát triển rất mạnh, và có thể được phát hiện ở khắp các dòng sông tại Trung Quốc.
Điều đáng sợ về loài cá tỳ bà là ngoài khả năng sinh sản nhanh chóng, chúng còn thường ăn trứng của những loài cá khác. Chúng có thể ăn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn quả trứng cá mỗi ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái các dòng sông tại Trung Quốc. Ngoài ra, cá tỳ bà cũng ăn các loài cá nhỏ hơn.
Theo trang Sohu, hiện tại vẫn chưa có cách nào đặc biệt hiệu quả để quản lý loài cá này, một khi chúng tràn ra ngoài tự nhiên, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Vì vậy, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã kêu gọi người dân không thả cá tỳ bà xuống sông một cách tùy tiện, đặc biệt là những người phóng sinh động vật.
Ngoài hình thức xấu xí, da cá tỳ bà sần sùi và cứng hơn nhiều so với các loại cá khác, nên ở Trung Quốc, hầu như không có ai ăn cá tỳ bà. Nhưng trái ngược với Trung Quốc, cá tỳ bà lại trở thành món đặc sản địa phương tại Việt Nam.
Cá tỳ bà nướng muối sả - Món đặc sản miền Tây
Theo tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, cá tỳ bà cũng được nhập vào Việt Nam từ Nam Mỹ qua đường kinh doanh cá cảnh. Thoạt đầu, người ta không hiểu tác hại của chúng, sau đó mới biết cá tỳ bà có khả năng cạnh tranh thức ăn, tiếp cận các loài cá khác hút nhớt làm chúng suy giảm khả năng phát triển và có thể chết, gây mất cân bằng sinh thái.
Cá tỳ bà xuất hiện rất nhiều ở kênh, rạch, ao, hồ, đồng lúa tại khu vực châu thổ sông Cửu Long. Người miền Tây đi làm đồng, cất vó, tát mương... thường hay gặp loài động vật xâm lấn này. Trước đây, nhà nông nhìn thấy loài cá có da sần sùi này nghĩ không ăn được nhưng thử nhiều lần thấy thịt cá thơm, rẻ nên đã bắt cá tỳ bà để chế biến thành món ăn. Đây cũng là cách tiêu diệt cá tỳ bà, tránh gây nguy hại cho hệ sinh thái.
Cá tỳ bà có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau như hầm sả, phi lê chiên giòn, nấu chua, kho tương... trong đó, hấp dẫn nhất là cá tỳ bà nướng muối sả, bởi khi nướng, cá sẽ không mất đi hương vị đặc trưng. Người nông dân miền Tây khi đi làm đồng về, bắt được vài con cá tỳ bà là đem nướng ăn với cơm hoặc nhậu. Khi có khách ở xa ghé thăm, người ta lội sông bắt cả mớ cá đem về đãi khách. Do lạ miệng, thơm ngon nên thực khách rất thích món này.
Cách bắt cá tỳ bà khá dễ, bằng chài, mò, bẫy... Ở những hang đất sát mép nước có trứng cá tỳ bà thì thế nào cũng có cả đàn cá quanh đó, chỉ việc rải chài xuống là bắt trọn cả ổ. Hiện nay, tại các chợ quê ở vùng Tây Nam Bộ đều có bán loài cá này với giá khoảng 15-20.000 đồng/kg.
Cách chế biến món cá tỳ bà nướng muối sả: Trước hết mổ cá và bỏ ruột, xát muối cho cá sạch nhớt để làm mất mùi tanh. Loài cá này hầu như đều có hai bọc trứng vàng ươm nên cần tách lấy trứng cá nhẹ tay kẻo vỡ. Để cá ra rổ cho ráo nước rồi chuẩn bị gia vị nướng.
Cho hỗn hợp muối tôm Tây Ninh, bột nêm, chút nước lọc và nửa quả quất vào chén trộn đều. Sau đó, thoa hỗn hợp này bên trong và bên ngoài mình cá. Sả băm nhuyễn, nhồi vào bụng cá cùng với trứng cá. Đem cá nướng trên bếp than hồng đỏ rực cho đến khi dậy mùi, da cá khét, cứng khô là thịt bên trong đã chín.
Do được bao bọc bằng lớp da cứng bên ngoài nên khi nướng, thịt cá tỳ bà vẫn giữ được vị ngọt thơm. Bóc lớp da cá bỏ đi, gắp miếng thịt chấm với nước mắm nêm (hoặc muối ớt chanh), ăn nóng cùng với bún, bánh tráng, cơm, rau sống hoặc làm món nhậu.
Thể thao & văn hóa