Loại cây nhiều người Việt yêu thích, lá quý như 'vàng xanh', vừa bảo vệ rừng vừa mang về tiền tỷ
Loại cây này là một trong những cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Cây có thể trồng xen dưới tán rừng giữ đất, hấp thụ khí CO2.
- 01-04-2025Loại cây mọc bờ mọc bụi nay "lên đời" thành bonsai giá trăm triệu đồng
- 31-03-2025Loại cây dại xưa là thức ăn chăn nuôi, nay quý như "nhân sâm của người nghèo"
- 30-03-2025Theo đuổi lối sống xanh, không thể không biết 8 loại cây phong thủy gắn với may mắn, tài lộc này
Cây Atiso một trong những dược liệu quý, đang mang lại những giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, tại Lào Cai, bà con trồng Atiso đã có đời sống khá giả, xây nhà, sắm xe.
Vụ thu hoạch lứa lá atiso năm 2024, dự ước nông dân Sa Pa sẽ thu về trên 8 tỷ đồng – thông tin trên Báo Lào Cai cho hay.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, cây Atiso được người Pháp đem vào trồng ở những vùng núi cao, khí hậu mát mẻ của Việt Nam như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo… Đây là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giúp bà con nông dân vùng cao làm giàu bền vững.
Cây Atiso có tên khoa học Cynara scolymus L., thuộc Họ Cúc – Asteraceae. Cây thảo, cao khoảng 1m có lá mọc so le chia thành nhiều thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới màu trắng nhạt vì có nhiều lông nhung. Cụm hoa mà người ta quen gọi là bông Atiso nằm ở đầu các nhánh của thân có đường kính 6-15 cm, phía ngoài có những lá bắc đỉnh nhọn, hoa bao bởi những lông tơ nằm trên một đế hoa nạc.
Cây Atiso có nguồn gốc vùng Địa Trung Hải. Người Ai Cập đã biết trồng cây này từ lâu. Cây được đem vào Tây Ban Nha, Ý, lan sang Pháp (thế kỷ thứ 16).
Theo ông Sáng, Atiso được sử dụng dưới nhiều dạng: tươi, khô, nấu cao, chế dược phẩm… phục vụ cho công nghiệp dược liệu. Tất cả các bộ phận của cây Actiso đều có giá trị kinh tế. Lá được thu hoạch bán nguyên liệu cho các nhà máy để chế biến thành dược liệu. Lá Atiso được xem là "vàng xanh" của ngành nông nghiệp và dược liệu Việt Nam. Còn thân, rễ, hoa được bán cho các thương lái hoặc nhà máy để sản xuất trà.
Người dân thu lá cây Atiso.
Cây atiso trong bảo vệ rừng và môi trường
Không chỉ là một loại thảo dược quý, cây Atiso còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng và cải thiện môi trường sinh thái.
Ông Bùi Đắc Sáng cho biết, cây Atiso có bộ rễ phát triển mạnh, giúp cố định đất và ngăn chặn tình trạng xói mòn đất trên các vùng đồi núi. Trồng atiso trên đất dốc hoặc đất dễ bị xói mòn giúp bảo vệ lớp đất màu mỡ, tránh sạt lở đất vào mùa mưa.
Ở một số nơi như Lâm Đồng, Atiso được trồng xen kẽ trong rừng thông, giúp tăng thu nhập cho người dân, tránh được việc người dân chặt phá rừng gây mất cân bằng sinh thái. Atiso là cây ngắn ngày, thu hoạch lá theo từng đợt (theo tháng), giúp người dân có nguồn thu ổn định và góp phần phát triển rừng bền vững
Ông Sáng cho hay, lá cây Atiso xanh, ra lá liên tục sau mỗi lần cắt do đó hấp thụ CO₂, cải thiện chất lượng không khí và giảm khí thải nhà kính. Cây Atiso quang hợp mạnh, hấp thụ CO₂, tăng lượng oxy trong không khí và góp phần làm sạch môi trường
Đặc biệt, ở những vùng trồng atiso quy mô lớn, cây còn giúp giảm nhiệt độ môi trường, tạo tiểu khí hậu mát mẻ hơn.
Ngoài ra, Atiso là cây dược liệu rất ít sâu bệnh cho nên việc trồng cây trên các nương rẫy cũng hạn chế được việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, giúp bảo vệ đất và nguồn nước khỏi ô nhiễm.
Ở một số vùng như Đà Lạt, Sa Pa đã phát triển các mô hình trồng atiso kết hợp du lịch sinh thái, giúp bảo vệ rừng mà vẫn phát triển kinh tế.
Cây Atiso không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ rừng, chống xói mòn đất, cải thiện môi trường sinh thái và hỗ trợ phát triển nông lâm kết hợp. Việc mở rộng mô hình trồng Atiso dưới tán rừng hoặc ở các vùng đồi trọc sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chất lượng không khí.
Đời sống & pháp luật