Loại dừa đắt nhất Việt Nam giá bao nhiêu?
Có được lợi thế là trái ngon, cùi dày độc nhất vô nhị, nhưng đến nay dừa sáp Trà Vinh vẫn chưa ổn định về mặt giá đầu ra, dù đây là loại dừa đắt nhất Việt Nam.
- 27-08-2024Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ đưa Việt Nam trở thành ông trùm xuất khẩu của thế giới: Giá hấp dẫn, nước ta chi hơn 2 tỷ USD gom hàng
- 26-08-2024Sầu riêng đông lạnh Đắk Lắk sẵn sàng chinh phục thị trường tỷ dân
- 26-08-2024Đang tăng trưởng vượt bậc, xuất khẩu "cá tỷ đô" của Việt Nam bất ngờ giảm tốc tại các thị trường chính và đây là lí do?
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trà Vinh tổ chức chiều 26/8, trong khuôn khổ Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh .
Trà Vinh hiện có diện tích dừa đứng thứ 2 cả nước (sau Bến Tre), với hơn 27.300ha. Trong đó có khoảng 1.207ha dừa sáp (còn gọi là dừa kem hoặc dừa đặc ruột), tập trung chủ yếu tại huyện Cầu Kè (chiếm hơn 90%), nhưng chỉ có 62ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, dừa sáp đặc ruột, cơm (cúi) dừa dày, mềm, thơm và béo hơn nhiều so với các giống dừa thông thường, nước đặc. Điều này khiến giá bán dừa sáp khá cao, sản phẩm rất đặc trưng của địa phương.
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh , dừa sáp có mặt trên đất Trà Vinh từ năm 1924, nhưng mãi đến năm 2000 mới chính thức được công chúng biết đến rộng rãi, trở thành đặc sản. Cùng đó, giá dừa sáp tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam, hiện từ 70.000 - 120.000 đồng mỗi trái. Theo tính toán, mỗi ha dừa sáp cho trái ổn định đem lại thu nhập bình quân 320 triệu đồng/năm với dừa sáp thường và 770 triệu đồng/năm với dừa sáp nuôi cấy phôi, lợi nhuận bình quân tương ứng từ 270 - 700 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 4-10 lần dừa thường.
Tuy nhiên, Sở NN&PTNT địa phương nhìn nhận, hiện vùng trồng dừa sáp manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên dễ bị lai tạp, thoái hóa giống. Việc phát triển nhanh diện tích dừa sáp không theo quy hoạch, dẫn đến cung có khả năng vượt cầu, khi đó đầu ra sẽ gặp khó. Dừa sáp hiện nay chủ yếu bán dừa tươi, ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm từ dừa sáp.
Có được lợi thế là trái ngon độc nhất vô nhị, nhưng theo ngành nông nghiệp Trà Vinh, đến nay dừa sáp chưa ổn định về giá và chưa vươn xa trên thị trường. Mô hình liên kết sản xuất, như hợp tác xã còn quá ít, chưa hình thành các làng nghề thủ công, cơ sở chế biến để khai thác triệt để hiệu quả dừa sáp kết hợp với du lịch.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam - so sánh dừa dâu (dừa ta) có giá trung bình 6.000 - 8.000 đồng/trái, dừa xiêm 7.000 - 9.000 đồng/trái, trong khi dừa sáp có thể lên tới 140.000 - 160.000 đồng/trái, tức cao gấp 20 lần các loại dừa thông thường. Quả dừa sáp nếu không sáp giá trung bình cũng 20.000 - 30.000 đồng/trái, cao gấp 2-3 lần dừa thông thường. Lợi nhuận thu được từ cây dừa sáp cũng rất cao, trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm trong khi dừa thông thường khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.
"Dù giá trị rất cao, nhưng dừa sáp còn bỏ ngỏ tiềm năng trên vùng đất Trà Vinh và thiếu dư địa để phát triển đến nhiều vùng khác trên cả nước. Do đó, dừa sáp chưa thành cây chủ lực, quả đặc sản của cả nước, chưa được công nhận thương hiệu quốc gia và đóng góp chưa nhiều cho kim ngạch xuất khẩu", ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, thị trường cho dừa sáp cả trong và ngoài nước còn rất lớn. Để phát huy sản phẩm dừa sáp, ông Khoa đề xuất tỉnh Trà Vinh có chính sách khuyến khích đầu tư các chuỗi liên kết, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kích thích sản xuất, tiêu dùng, nghiên cứu nâng cao sản lượng và chất lượng dừa sáp, từ đó tạo sản phẩm độc quyền trên thị trường từ dừa sáp.
Tiền Phong