Loại gia vị là “quốc hồn quốc túy” của người Việt nhưng dùng sai cách thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ
Đây là loại gia vị phổ biến trong căn bếp Việt, được ví là “quốc hồn quốc túy”. Tuy nhiên, không ít người Việt đang dùng sai, gây hại cho sức khỏe.
- 08-11-2024Loại gia vị thay thế cho muối và đường, nhưng khi dùng nên ghi nhớ 3 lưu ý quan trọng
- 02-11-2024Loại gia vị đắt đỏ thứ ba thế giới, Việt Nam có nhiều, tốt cho thận nhưng cần nhớ 3 lưu ý khi sử dụng
- 01-11-2024Loại gia vị Việt Nam sản xuất 1 triệu tấn mỗi năm, biết cách dùng thì lợi đủ đường
Nước mắm là loại gia vị từ lâu đã gắn bó với đời sống người dân Việt Nam, được ví như “quốc hồn quốc túy”. Đây là thứ gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn, đồng thời là niềm tự hào của người Việt khi nhắc đến ẩm thực quê hương.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước mắm là một gia vị truyền thống gắn liền với cuộc sống và nét đẹp văn hóa của người Việt. Nếu thiếu nước mắm thì sẽ mất đi sự thơm ngon của món ăn.
Không chỉ là một gia vị chấm, nước mắm cũng có giá trị dinh dưỡng nhất định. Nước mắm được làm từ cá, trong đó có các axit amin tạo nên vị ngọt cho thực phẩm này.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100g nước mắm cá có 35Kcal; 5.1g protein; 0,01g lipid; 3.6g glucid; 43mg calci; 0.78mg sắt; 175mg magie; 288mg mangan… và nhiều axit amin khác.
Tuy nhiên, PGS Lâm lưu ý trong nước mắm có chứa muối, nếu lạm dụng sẽ tăng nguy cơ ăn mặn. Để ủ nước mắm, người ta sẽ phải dùng một lượng muối lớn, chiếm khoảng 20 -25%. Do đó, 10ml nước mắm tương đương với 2,5g muối.
4 sai lầm khi dùng nước mắm
Dù nước mắm có chứa những dưỡng chất nhất định, việc dùng sai cách sẽ gây ra hệ lụy cho sức khỏe, PGS Lâm cảnh báo. Dưới đây là 4 sai lầm thường gặp khi dùng nước mắm.
1. Chấm đẫm nước mắm
PGS Lâm cho biết không ít người Việt khi chấm đồ ăn phải chấm thật sâu, sau đó lật mặt trước, mặt sau. Thói quen này có thể gây ra thừa muối.
Hiện, người Việt đang ăn lượng muối khoảng 9,5g/ngày, gần gấp 2 lần khuyến cáo của WHO. Viện Dinh dưỡng Quốc gia luôn tuyên truyền: “Cho ít muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”. Mục đích là để ăn giảm mặn, PGS Lâm cho hay.
2. Thích ăn đậm vị
Nhiều người có thói quen ăn mặn, dù các thực phẩm đã đậm đà nhưng vẫn chấm thêm nước mắm. Một số người ăn dưa muối vẫn phải chấm mắm.
PGS Lâm lấy ví dụ: “Khi tôi đi ăn phở, tôi quan sát nhiều người thường rót thêm nước mắm vào. Họ cho rằng ăn đậm vị mới ngon miệng mà không biết trong một bát phở chín đã chứa 3,8 gram muối, còn trong bát phở tái là 3,34 gram muối”.
3. Dùng quá nhiều loại nước chấm trên bàn ăn
Mỗi món ăn lại có những loại nước mắm được pha chế khác nhau tạo nên sự đặc sắc.
Tuy nhiên, theo quan sát của PGS Lâm, trên bàn ăn của người Việt có quá nhiều loại nước chấm - nước mắm, mắm tôm, mắm tép, mắm nêm…. Mỗi loại nước chấm đều ngon, tuy nhiên ăn nhiều sẽ gây thừa muối.
Thói quen chấm đẫm, ăn đậm vị khiến dư thừa muối, tạo ra gánh nặng với tim, thận; từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan tới huyết áp, tim mạch, thận. Ăn mặn còn liên quan tới vấn đề hấp thu canxi, gây ra tình trạng loãng xương, PGS Lâm cho biết.
4. Nấu nước mắm ở nhiệt độ cao
PGS Lâm lưu ý khi dùng nước mắm và các thực phẩm nói chung thì không nên đun nấu ở nhiệt độ cao, dễ gây ra biến chất.
“Nguyên nhân là do các chất như chất đạm, chất béo, ở nhiệt độ cao thì đều có thể biến chất. Trong nước mắm cũng có axit amin, khi đun nấu ở nhiệt độ cao sẽ gây ra biến chất”, PGS Lâm nói.
Cách dùng nước mắm hợp lý
Theo PGS Lâm, để giảm độ mặn trong nước mắm, người dân nên pha loãng nước mắm (thêm chút chanh, ớt, tỏi để giảm độ mặn và tăng vị ngon).
Ngoài ra, vị chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý với người có thói quen ăn mặn thì nên ăn thêm rau xanh để đào thải muối nhanh ra khỏi cơ thể. Rau xanh sẽ có nhiều kali giúp lợi tiểu, khi tiểu nhiều thì sẽ giúp kéo muối ra khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là giảm ăn mặn, giảm ăn muối, mục tiêu là giảm xuống mức khuyến cáo của WHO là dưới 5g muối/ngày.
Đời sống & pháp luật