MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại hạt Việt Nam sản xuất lớn nhất thế giới đang gặp nguy - giá lên đỉnh 13 năm, dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng phi mã

11-07-2024 - 02:48 AM | Thị trường

Giá xuất khẩu loại hạt này của Việt Nam đã tăng 6 tháng liên tiếp.

Loại hạt Việt Nam sản xuất lớn nhất thế giới đang gặp nguy - giá lên đỉnh 13 năm, dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng phi mã- Ảnh 1.

Giá cà phê robusta tương lai tại London đã đạt 4.844 USD/tấn vào phiên giao dịch ngày 9/7, tăng khoảng 70% trong năm qua và là mức cao nhất 13 năm, do tình hình thu hoạch kém ở các nước trồng cà phê chính trên thế giới tại Đông Nam Á.

Giuseppe Lavazza, chủ tịch của Lavazza Group, công ty cà phê Lavazza tại Ý, cho biết giá cà phê trên các kệ siêu thị ở Anh, vốn đã tăng khoảng 15% trong năm nay, thậm chí có thể tăng thêm gần 10% vào năm tới.

“Giá cà phê sẽ không giảm và vẫn sẽ neo ở mức rất cao. Chuỗi cà phê đang phải chịu áp lực rất lớn”, ông phát biểu tại một sự kiện bên lề giải quần vợt Wimbledon.

Lavazza cho biết các nhà rang xay cà phê như Lavazza đã buộc phải tăng giá và giảm biên lợi nhuận vì chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Ngành công nghiệp này đã quen với việc giá cả biến động của hạt cà phê arabica cao cấp - giá tương lai loại hạt này tại New York đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2022. Tuy nhiên, sự gia tăng gần đây của giá robusta là điều chưa từng thấy và gây ra nhiều vấn đề hơn cho ngành công nghiệp.

“Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sản xuất ở hầu hết các nước trồng robusta quan trọng trên thế giới, chủ yếu là Việt Nam và Indonesia, làm giảm đáng kể số lượng các loại hạt cà phê này.”

Dự báo thời tiết cho thấy vụ thu hoạch tiếp theo của Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới - sẽ không thể bổ sung đủ nguồn cung cấp hạt cà phê robusta đang cạn kiệt, loại hạt được sử dụng để pha cà phê espresso và cà phê hòa tan.

Trong khi trước đây, các nhà rang xay phải trả giá cao hơn cho cà phê robusta chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí một năm, thì hiện tại, họ phải trả rất nhiều tiền cho cà phê trong rất nhiều tháng.

Khi nguồn cung giảm và giá tăng, các quỹ đầu cơ và các nhà đầu cơ khác cũng đổ xô vào thị trường, điều mà ông Lavazza đổ lỗi là nguyên nhân đẩy giá tương lai lên cao hơn nữa. Ông cho biết giá tương lai tăng có nghĩa là công ty đã phải chịu thêm 800 triệu USD chi phí trong 2 năm qua.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cao hơn cũng góp phần thúc đẩy giá cà phê. Kể từ tháng 10 năm ngoái, các tàu đã buộc phải đi theo tuyến đường dài hơn quanh châu Phi để tránh các cuộc xung đột tại Biển Đỏ. Điều này rất khó khăn đối với một công ty cà phê lấy hạt từ các quốc gia ở châu Á và Đông Phi.

Ông cho biết, thu nhập ròng của nhà sản xuất cà phê Ý là 68 triệu euro vào năm 2023, giảm so với mức 95 triệu euro vào năm 2022, trong khi lợi nhuận giảm từ 309 triệu euro xuống 263 triệu euro trong cùng kỳ.

Loại hạt Việt Nam sản xuất lớn nhất thế giới đang gặp nguy - giá lên đỉnh 13 năm, dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng phi mã- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, giá xuất khẩu cà phê đã tăng vọt kể từ đầu năm 2024, đạt 4.593 USD/tấn trong tháng 6, sản lượng cũng giảm dần qua các tháng.

Trong khi đó, giá cà phê trong nước đang ở khoảng 123.500-124.600 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 124.300 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông 124.600 đồng/kg.

Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý 3 dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Cộng thêm nguồn cung cà phê các nước xuất khẩu lớn trên thế giới giảm do thời tiết như Brazil sẽ khiến giá cà phê có xu hướng tăng trong thời gian tới, theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).

Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ đem lại “niềm vui” cho người dân trồng cà phê. Nếu so với những thời điểm cà phê dao động ở mức giá 30.000 - 40.000 đồng/kg vào những năm trước, giá cà phê hiện nay đã tăng gấp 3 lần và được xem là "mùa vàng" của cây cà phê. Với giá cao, nhiều nông dân đang phấn khởi tăng cường đầu tư phân bón, cải tạo vườn, mở rộng diện tích vùng trồng… nhằm gia tăng sản lượng.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên