MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại quả Việt xưa rụng đầy gốc không ai ăn, giờ thành đặc sản được săn lùng, giá cao bất ngờ

28-03-2025 - 13:20 PM | Sống

Trước kia, loại quả này không được nhiều người để ý tới. Tuy nhiên, gần đây, tại các thành phố lớn, quả này được bán với giá cao bất ngờ.

Nhót là loại quả không xa lạ với người Việt. Trước đây, nhót xanh hay nhót chín là thứ quả quê ít người mua bán, rụng đầy gốc mà không mấy ai ăn.

Tuy nhiên, giờ đây, tại các thành phố lớn, loại quả này được nhiều chị em văn phòng “săn lùng”.

Giá nhót trên thị trường hiện nay không hề rẻ. Giá nhót loại 1 là từ 15.000đ – 20.000 đồng/1 lạng, như vậy một kg nhót sẽ có giá 150.000 - 200.000 đồng. Giá cả tuy đắt đỏ nhưng loại quả này vẫn hút khách tìm mua.

Hiện nay, nhót được được các bà nội trợ chế biến thành các món ăn hấp dẫn như canh nhót nấu chua, gỏi cuốn nhót xanh, nộm nhót xanh…

Loại quả Việt xưa rụng đầy gốc không ai ăn, giờ thành đặc sản được săn lùng, giá cao bất ngờ- Ảnh 1.

Canh nhót nấu thịt.

Ngoài là quả ăn trái, nhót còn là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh.

Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Hội Nam Y Việt Nam, cho hay nhót có tên gọi khác là lót, hồ đồi tử. Tên khoa học là Elaeagnus latifolia L, thuộc họ Nhót (Elaeagnaceae). Nhót là loại cây ưa nơi đất ẩm mát, nhiều mùn. Do đó, nhót thường được trồng ở các bờ ao, bờ giậu.

Các bộ phận được dùng làm thuốc là quả, lá, rễ.

Ông Trọng cho hay quả nhót có chứa protid, glucid, các acid hữu cơ, các nguyên tố Ca, P, Fe. Lá nhót có tanin, saponozid, polyphenol.

Trong y học cổ truyền, quả nhót vị chua chát, tính bình, có tác dụng chữa lỵ, tiêu chảy. Lá nhót có tác dụng sát khuẩn, thanh nhiệt, long đờm. Rễ nhót có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm.

“Quả nhót ngoài nấu canh chua, nhân dân còn dùng chữa cảm sốt, ho hen suyễn nhiều đờm, chữa tiêu chảy, kiết lỵ”, ông Trọng cho hay.

Bài thuốc hay từ nhót

Dưới đây là một số bài thuốc dùng nhót được bác sĩ Trọng giới thiệu:

- Chữa sốt ho: Lá nhót khô 30g, vỏ rễ dâu tẩm mật sao 12g. Cho vào 300ml nước, sắc lấy 100ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.

- Chữa lỵ, tiêu chảy: 7-8 quả nhót, sắc uống. Ngày uống 1-2 lần.

- Chữa mụn nhọt: Dùng rễ nhót nấu nước tắm, liều lượng tuỳ dùng.

- Chữa ho, hen suyễn nhiều đờm: Lá và rễ nhót khô 16g; Lá và rễ táo 12g; Hạt cải củ (la bạc tử) 6g; Hạt cải canh (bạch giới tử) 6g. Các vị cho vào 400ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 2 lần, ngày uống 1 thang.

Lưu ý khi dùng nhót

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho hay khi dùng nhót cần lưu ý nhất định để đảm bảo sức khoẻ.

- Nhót xanh có vị chua chát nên nếu bị mắc bệnh dạ dày, bệnh đường tiêu hóa thì không nên ăn.

- Không nên ăn nhót khi bụng đói để tránh gây kích thích cho dạ dày, dẫn đến đau bụng, cồn ruột. Tốt nhất nên ăn nhót sau bữa ăn 30 phút.

- Nếu cơ thể đang bị lạnh thì không nên ăn nhót.

- Người mắc hội chứng ruột kích thích, có dấu hiệu đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, vừa tiêu chảy vừa táo bón không nên ăn quả nhót.

- Trước khi ăn quả nhót cần rửa sạch và mài hết lớp vảy trắng bám bên ngoài vỏ để tránh gây đau họng.

- Không thực hiện bất cứ bài thuốc từ quả nhót nào đối với trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ trên 1 tuổi nếu ăn nhót cần có người lớn giám sát để dự phòng nguy cơ hóc sặc.

Các chuyên gia lưu ý, khi dùng nhót làm thuốc nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, để tránh những tác dụng không mong muốn.

 

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật