Loại quả xưa chín rụng đầy gốc không ai hái, nay thành đặc sản được “săn lùng”: Hóa ra có nhiều lợi ích
Trước đây, loại quả này ít khi được mọi người quan tâm tới nhưng hiện nay nó đã trở thành “đặc sản” được nhiều người lùng mua.
- 22-12-2024Loại quả người Việt ít quan tâm, Trung Quốc thu mua ồ ạt: Hóa ra vỏ và hạt rất tốt
- 18-12-2024Loại quả phơi khô hóa "thuốc bổ" giúp sống khỏe thọ lâu, cực nhiều ở Việt Nam
- 15-12-20241 loại quả sần sùi có vị đắng giúp hạ đường huyết tốt ngang insulin tự nhiên, còn hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận
Nội dung chính:
- Tác dụng của quả dâu tằm.
- Tác dụng của các bộ phận trên cây dâu tằm.
- Bài thuốc từ cây dâu tằm.
Quả dâu tằm là loại quả quen thuộc với người dân Việt Nam. Cây dâu tằm thường mọc dại hoặc được người dân trồng làm bờ rào. Ít ai biết được dâu tằm lại có những lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Trước kia, quả dâu tằm chín rụng đầy gốc nhưng ít người hái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây quả dâu tằm lại được nhiều người “lùng” mua, có thời điểm quả dâu tằm có giá lên tới 60.000 -70.000đ/kg.
Theo bác sĩ, lương y Nguyễn Hữu Trọng, Ủy viên thường trực Hội Nam y Việt Nam, dâu tằm có tên gọi khác là tầm tang, cây dâu. Tên khoa học là Morus alba L., thuộc họ dâu tằm. Cây dâu tằm rất dễ trồng và dễ sống. Người ta thường trồng dâu tằm bằng cách cắm thân cây xuống đất.
Trong y học cổ truyền, quả dâu tằm chín (tang thầm) có vị ngọt chua, tính mát, có tác dụng dưỡng huyết, bổ can thận, khu phong.
Ông Trọng cho hay, quả dâu tằm chín có thể chữa can, thận, huyết hư, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, ù tai, mờ mắt tóc bạc sớm. Mọi người có thể uống 20-15ml nước siro hoặc rượu ngâm quả dâu tằm để hưởng lợi ích này.
Theo y học hiện đại, quả dâu tằm tươi có nhiều chất xơ hòa tan, protein, chất béo, các loại khoáng chất như: vitamin C, vitamin E, vitamin K1, kali, sắt,… Đây đều là những dưỡng chất tốt cho cơ thể. Ăn dâu tằm hàng ngày giúp kiểm soát hạ cholesterol máu, hạ đường huyết, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa lão hóa, tốt cho mắt, tốt cho tim mạch, xương khớp…
Cây dâu tằm là thuốc toàn năng
Cây dâu tằm là một trong những vị thuốc nam toàn năng vì gần như tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, bao gồm: lá, cành, rễ, tầm gửi trên cây dâu, con sâu dâu (nằm trong thân cây dâu tằm), tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm.
- Lá dâu tằm: Lá dâu tằm có vị đắng ngọt, tính bình, có tác dụng khu phong, thanh nhiệt, lương huyết, minh mục (mắt sáng). Lá dâu tằm có thể dùng làm thuốc chữa sốt cao cầm ra mồ hôi, làm sáng mắt, hạ huyết áp. Mọi người có thể dùng 16-20g lá dâu tằm, sắc thuốc uống trong ngày. Ngoài ra, mọi người có thể dùng lá dâu tằm non làm rau ăn giúp ngủ ngon, ngủ sâu.
- Cành dâu tằm non: Cành dâu tằm non có vị đắng nhạt, tính bình, có tác dụng trừ phong lợi các khớp, tiêu viêm, hạ nhiệt. Cành dâu tằm non dùng chữa phong tê thấp, đau ngang thắt lưng, đau nhức xương khớp, chân tay co quắp, cước khí. Ngày dùng 18-20g dạng ở thuốc sắc.
- Vỏ rễ dâu tằm: Vỏ rễ dâu tằm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh phế nhiệt, chỉ khái hạ suyễn, lợi thủy tiêu sưng. Vỏ rễ dâu tằm ở dạng thuốc sắc có thể dùng để chữa phế nhiệt, ho hen suyễn khái huyết, trướng bụng, phù thũng.
- Tầm gửi trên cây dâu tằm: Tầm gửi trên cây dâu tằm có vị đắng, tính bình, có tác dụng mạnh gân cốt, thông huyết mạch, an thai, lợi sữa. Ngày dùng 12-20g tầm gửi trên cây dâu tằm dạng thuốc sắc có thể chữa đau nhức cơ thể, chân tay tê bại, động thai, ít sữa.
- Tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm: Tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm có vị ngọt mặn, tính bình, có tác dụng ích thận cố tinh, lợi tiểu, ngày dùng 6-12g dạng thuốc tán hoặc thuốc sắc.
- Sâu dâu tằm (sâu trong thân cây dâu tằm) có thể dùng làm thuốc bổ, chữa cho trẻ em bị biếng ăn. Cách dùng: Nướng cho trẻ ăn 3-4 con sâu dâu tằm/ngày.
Một số bài thuốc từ cây dâu tằm
Ông Trọng cũng chia sẻ thêm về một số bài thuốc có sử dụng các bộ phận của cây dâu tằm.
- Chữa mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ và mồ hôi chân tay ở người lớn: Dùng một nắm lá dâu tằm non nấu canh với tôm khô, ăn hàng ngày. Hoặc dùng bài thuốc sau: Lá dâu tằm khô, Cúc hoa, Liên kiều, Hạnh nhân giã dập mỗi vị 12g, Bạc hà diệp 4g, Cam thảo 4g, Cát cánh 8g, Lô căn 20g. Cho các vị thuốc vào 600ml nước, sắc lấy 200ml chia ra uống 2 lần/ngày. Ngày uống 1 thang.
- Chữa cảm, cúm: Lá dâu tằm 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 8g. Cho các vị thuốc vào 400ml nước, sắc lấy 200ml chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
- Trừ phong thấp, mạnh gân cốt, can, thận, suy yếu đau lưng mỏi gối: Tang chi (cành dâu tằm) 18g, Tang ký sinh 12g, Kê huyết đằng 12g, Ngưu tất 12g, Uy linh tiên 12g. Cho các vị thuốc vào 800ml nước, sắc lấy 200ml chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
- Chữa thiếu máu, da xanh, người gầy yếu, mất ngủ, đầu váng mắt hoa, tai ù, tóc bạc sớm: quả dâu tằm 30g, Hà thủ ô đỏ chế đậu đen 30g, Kỷ tử 20g, Táo nhân 20g. Cho các vị thuốc vào 800ml nước, sắc lấy 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
- Chữa động thai đau bụng: Tầm gửi cây dâu tằm 40g, Lá ngải cứu 20, Củ gai (cây gai làm bánh) 20g. Cho các vị thuốc vào 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc chia uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa đau lưng, tai ù, mắt mờ, tóc bạc sớm, mất ngủ, di mộng tinh: Quả dâu tằm chín tím đen 1kg. Cho quả dâu tằm vào vải màn, vắt lấy nước quả, đun nhỏ lửa cô đặc thành cao mềm, ngày uống 2-3 lần mỗi lần 5-10g. Hoặc mọi người có thể đem quả dâu tằm chín rửa sạch để ráo nước, dội qua nước sôi cho vào lọ sạch, thêm đường ngâm thành siro, pha nước uống 1-2 lần trong ngày.
Để bài thuốc từ dâu tằm có hiệu quả, chuyên gia lưu ý người dân cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi sử dụng.
Đời sống & pháp luật