MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại thịt này quý đến mức được gọi là "vàng trắng" tại Nhật: Giá hơn 800 triệu đồng/kg, không phải cứ giàu là mua được

07-01-2023 - 08:56 AM | Sống

Giá loại thịt này năm 2018 đắt hơn cả cá ngừ vây xanh và có giá gần bằng giá vàng. Vì sao loại thịt này lại đắt đỏ đến vậy?

“Vàng trắng” của Nhật Bản

Được tiêu thụ trên toàn thế giới và rất phổ biến tại châu Á nhưng lươn được yêu thích đặc biệt tại Nhật Bản. Đáng chú ý, giống lươn Nhật loại nhỏ, hay còn gọi là lươn thuỷ tinh quý đến mức được mệnh danh là “vàng trắng”, bán với giá 35.000 USD/kg (hơn 800 triệu đồng) vào tháng 1/2018.

Mức giá này cao hơn cả cá ngừ vây xanh và gần bằng giá vàng tại thời điểm đó. Theo Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, năm 2020, các trang trại đã trả trung bình 1,32 triệu yên (11.680 USD theo tỷ giá hiện nay)/ kg lươn thủy tinh. Vì sao lươn thủy tinh Nhật lại đắt như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến việc suy giảm quần thể lươn nói chung do đánh bắt quá mức và thay đổi môi trường sống. Lươn thủy tinh nằm trong danh sách những loài "cực kỳ nguy cấp" cần bảo vệ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Thêm vào đó, lươn thủy tinh rất được ưa chuộng trong các nhà hàng cao cấp. Nguồn cung hạn chế và áp lực thị trường đã góp phần đẩy giá lươn thủy tinh lên cao.

Lươn thủy tinh được bắt từ môi trường tự nhiên dọc theo bờ biển gần tỉnh Kagoshima từ tháng 12 và di chuyển về phía Bắc vào cuối tháng 4, sau đó được đem nuôi trong trang trại. Không có trang trại nào đủ khả năng nhân giống nên họ phải phụ thuộc vào lươn con được bắt trên biển.

Loài lươn này cũng không dễ nuôi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Michio Tanaka, người làm nghề nuôi lươn gần 40 năm cho biết: “Chỉ cần một căn bệnh lây lan hoặc một tai nạn xảy ra trong bể, bạn không bao giờ kiếm được lợi nhuận. Bạn phải rất tập trung chăm sóc chúng hàng ngày”.

Tanaka cho biết ông phải chú ý từng con lươn, đặc biệt là trong việc cho chúng ăn. “Cố gắng cho 150.000 con lươn ăn là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nếu có chuyện gì xảy ra với cái bể đó, mọi thứ sẽ hỏng hết”, Tanaka nói.

Loại thịt này quý đến mức được gọi là vàng trắng tại Nhật: Giá hơn 800 triệu đồng/kg, không phải cứ giàu là mua được - Ảnh 1.

Vì mức độ quý hiếm, tỉnh Okayama từng cấm đánh bắt lươn thủy tinh để khôi phục nguồn lươn tự nhiên. Lươn thủy tinh cũng trở thành mặt hàng bị săn trộm vì mức giá “chợ đen” cao ngất ngưởng từ 1,3 - 1,5 triệu yên/kg. (227 - 263 triệu đồng)

Vì sao người Nhật thích ăn lươn?

Người Nhật đã ăn lươn từ hàng nghìn năm nay. Theo Tasting Table, chỉ riêng người Nhật Bản đã tiêu thụ 100.000 tấn lươn mỗi năm, tương đương 75% sản lượng đánh bắt toàn cầu. Những nhà hàng lươn tại đất nước mặt trời mọc có thể bán được 40-50 tấn lươn/ năm.

Năm 2000, kỷ lục 160.000 tấn lươn được tiêu thụ trên toàn nước Nhật. Nhật Bản phải nhập khẩu lươn của một số nước châu Á như Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lươn được ăn quanh năm, nhưng được ăn nhiều nhất vào mùa hè vì lươn là một trong những món có tính hàn, giúp cân bằng sức khỏe trong ngày nắng nóng. Người Nhật còn có tên gọi riêng của những ngày sẽ ăn cơm lươn trong mùa hè. Phong tục này có từ thời Edo và vẫn được gìn giữ đến ngày nay.

Loại thịt này quý đến mức được gọi là vàng trắng tại Nhật: Giá hơn 800 triệu đồng/kg, không phải cứ giàu là mua được - Ảnh 2.

Những lợi ích sức khỏe cũng là lý do người Nhật ưa chuộng loại hải sản này. Lươn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết như protein, omega-3, vitamin E, vitamin A, photpho,... Các chất dinh dưỡng như axit béo, omega-3 có trong lươn có thể giúp cải thiện huyết áp, giảm cholesterol, chắc xương và giảm đau bụng kinh.

Bên cạnh đó, vitamin A trong lươn còn giúp giảm nếp nhăn, giữ độ đàn hồi của làn da. Ăn các món lươn thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ gây ung thư vú, cải thiện lưu thông máu đến não, cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Món lươn thường được chế biến theo phong cách Kobayaki: xiên que, nướng và phết hỗn hợp nước tương với rượu gạo mirin, sau đó đựng trong hộp sơn mài cùng cơm. Mỗi hộp cơm lươn như vậy có giá 91 USD, tùy vào giá lươn.

Phương Linh

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên