MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loãng xương là "rào cản trường thọ", sau 50 tuổi bớt uống 2 loại nước, ít ăn 1 thứ để xương chắc khỏe

19-09-2023 - 21:35 PM | Sống

Loãng xương là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch và có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tuổi thọ của con người.

Loãng xương có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ (đặc biệt là phụ nữ). Loãng xương là bệnh lý dẫn tới giảm khối lượng và chất lượng của hệ thống xương, khiến cho sức chống đỡ và chịu lực của xương giảm đi, khiến xương dần trở nên mỏng manh, dễ lún và dễ xẹp, đặc biệt ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay,… cuối cùng là tăng nguy cơ gãy xương. Biến chứng này rất khó hồi phục và làm tăng nguy cơ tử vong.

Nhiều người lo ngại về bệnh loãng xương nên thường tăng cường bổ sung canxi và vitamin D nhưng các chuyên gia cho biết điều này là không cần thiết vì bổ sung không đúng liều lượng ngược lại có thể gây hại cho sức khỏe xương.

PGS.TS Liz Matzkin, Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình tại Bệnh viện Brigham and Women thuộc ở Boston, Mỹ giải thích: “Mặc dù canxi và vitamin D rất quan trọng để duy trì sức khỏe của xương, nhưng nhu cầu sử dụng canxi và vitamin D lại phụ thuộc vào độ tuổi. Và việc sử dụng không phù hợp, vượt quá liều lượng khuyến cáo hàng ngày có thể gây phản tác dụng”.

Các chuyên gia chấn thương chỉnh hình cho biết thay vì bổ sung bằng các chất thay thế, việc thay đổi một số điều trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe xương hơn.

Theo đó, các bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho biết họ thường tránh uống 2 loại nước và ăn ít 1 thứ để giúp giảm nguy cơ loãng xương, đặc biệt là sau khi bước qua tuổi 50.

Loãng xương là "rào cản trường thọ", sau 50 tuổi bớt uống 2 loại nước, ít ăn 1 thứ để xương chắc khỏe - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Loãng xương có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ.

Sau 50 tuổi bớt uống 2 loại nước, ít ăn 1 thứ để xương chắc khỏe

1. Rượu bia

PGS Matzkin cảnh báo việc ‘nhấm nháp’ một vài ly rượu hàng ngày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương.

Chuyên gia giải thích: “Việc tăng tiêu thụ rượu, bia, đồ uống có cồn có thể làm thay đổi khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng, có lợi cho sức khỏe của xương của cơ thể, chẳng hạn như canxi, vitamin D và magie”.

Ngoài canxi và vitamin D, các hormone giới tính chẳng hạn như như testosterone ở nam và estrogen ở nữ, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo xương chắc khỏe.

Chuyên gia Angelina Waller, thạc sĩ tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Advanced Orthopaedics ở Denver, Mỹ giải thích rằng rượu có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và làm chậm chu kỳ tái tạo xương.

Chuyên gia Matzkin khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiêu thụ quá nhiều rượu bia. Bởi, uống rượu bia, say xỉn cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp các tai nạn ngoài ý muốn như ngã, bị chấn thương hoặc gãy xương.

Loãng xương là "rào cản trường thọ", sau 50 tuổi bớt uống 2 loại nước, ít ăn 1 thứ để xương chắc khỏe - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Việc ‘nhấm nháp’ một vài ly rượu hàng ngày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương.

2. Đồ uống chứa caffeine

Caffeine thường được tìm thấy trong các loại đồ uống như cà phê, trà, nước tăng lực, soda,...

Cũng giống như rượu, các chuyên gia cho biết mọi người không cần phải kiêng hoàn toàn nhưng cần tiêu thụ các loại đồ uống chứa caffeine một cách chừng mực. Chuyên gia Matzkin cho biết: “Caffeine đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mất canxi và giảm sự hấp thụ canxi, cả hai đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương”.

Chuyên gia Waller cho biết: “Caffeine làm giảm sự hấp thu canxi và tăng lượng canxi mất đi qua nước tiểu".

Ngoài canxi, caffeine cũng có thể gây cản trở quá trình hấp thụ vitamin D.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị một người không nên tiêu thụ quá 400 miligam caffeine mỗi ngày (tương đương với khoảng 4-5 tách cà phê). Đây cũng được xem là một trong những cách uống cà phê bảo vệ sức khỏe bao gồm cả sức khỏe xương.

Ngoài cà phê, soda cũng là thủ phạm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của xương. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống các loại nước ngọt (bao gồm cả loại dành cho người ăn kiêng) có thể dẫn tới mật độ khoáng xương thấp hơn đáng kể ở phụ nữ.

Loãng xương là "rào cản trường thọ", sau 50 tuổi bớt uống 2 loại nước, ít ăn 1 thứ để xương chắc khỏe - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Caffeine cũng có thể gây cản trở quá trình hấp thụ vitamin D và canxi.

3. Muối

Thông thường mọi người thường chỉ nghĩ muối có thể gây ảnh hưởng tới huyết áp và sức khỏe tim mạch nhưng muối cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của xương, đặc biệt là đối với các nhóm người cao tuổi.

PGS Matzkin nói: “Ngoài lượng muối gia vị thêm vào các món ăn, mọi người cũng cần lưu ý đến lượng muối có trong thịt, đồ ăn nhẹ và thực phẩm chế biến sẵn. Tiêu thụ quá nhiều muối (hơn 2.3g mỗi ngày) có thể dẫn đến mất canxi ở xương”.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of the American College of Nutrition, việc tăng tiêu thụ natri làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng phụ nữ sau mãn kinh có chế độ ăn nhiều muối sẽ bị mất nhiều khoáng chất trong xương hơn những phụ nữ khác cùng tuổi.

GS. TS Linda K. Massey, giáo sư về dinh dưỡng tại Đại học Bang Washington ở Spokane, Mỹ cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng muối ăn thông thường có thể gây mất canxi, làm xương yếu đi theo thời gian.

GS Massey giải thích: “Nhìn chung, cứ 2.3g muối natri bạn nạp vào thì cơ thể sẽ mất đi khoảng 40mg canxi thông qua đường nước tiểu”.

Do đó, sau 50 tuổi mọi người nên hạn chế ăn quá nhiều muối để duy trì sức khỏe xương khớp và phòng ngừa bệnh tim mạch, từ đó đảm bảo sức khỏe tổng thể và giúp kéo dài tuổi thọ.

Theo Mộc Miên

phunuso.baophunuthudo.vn

Trở lên trên